Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục 5.000 tỷ USD

Vietstock

Ngày đăng 15/01/2021 16:53

Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục 5.000 tỷ USD

Vietstock - Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục 5.000 tỷ USD

Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong thương mại hàng hóa nước ngoài.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) vừa cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nước này năm qua tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019, lên 32.160 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.000 tỷ USD), đạt mức cao kỷ lục. Trong đó, xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 0,7%.

Tính riêng tháng 12/2020, xuất khẩu đã tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Người phát ngôn GAC Li Kuiwen nói rằng, Trung Quốc đã vượt lên những thách thức kinh tế và thương mại toàn cầu với tư cách là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong thương mại hàng hóa nước ngoài.

Trong 10 tháng đầu năm ngoái, ngoại thương và xuất khẩu của nước này lần lượt chiếm 12,8% và 14,2% tổng kim ngạch thế giới, cả hai đều đạt mức cao lịch sử, theo số liệu của GAC và WTO. Alicia Garcia Herrero, Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn toàn cầu vì hai lý do.

Thứ nhất, nước này đã ngăn chặn thành công sự lây lan của virus và khôi phục năng lực sản xuất, trong khi hầu hết nền kinh tế lớn khác vẫn đang vật lộn với các vấn đề sản xuất.

Thứ hai, sự chuyên môn hóa các ngành sản xuất đóng vai trò rất linh hoạt trong môi trường bất ổn. Các mặt hàng chính của nước này phục hồi rõ rệt, đơn cử như dệt may được hỗ trợ bởi nhu cầu khẩu trang.

"Ngoại thương của Trung Quốc đã nhanh chóng ổn định trở lại và tiếp tục được cải thiện, thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh toàn diện", Phát ngôn viên của GAC cho biết, đồng thời lưu ý rằng ngoại thương đã tăng trưởng dương trong bảy tháng liên tiếp từ tháng 6/2020.

Một góc Cảng Thiên Tân tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc ngày 11/1/2021. Ảnh: Xinhua.

Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2020, theo dự báo gần nhất của World Bank. Tỷ lệ này là thấp so với các kỷ lục trước của nước này, nhưng vẫn giúp họ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm qua.

"Sự phục hồi của Trung Quốc đã duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Khả năng phục hồi của Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho chính họ mà còn có lợi cho nền kinh tế toàn cầu", Nhà kinh tế trưởng Zhu Haibin của J.P. Morgan nói.

Theo vị chuyên gia, bất chấp đại dịch và du lịch quốc tế bị gián đoạn, Trung Quốc vẫn tăng cường sự mở cửa. Nước này đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong việc thúc đẩy thương mại đa phương năm qua, bao gồm ký kết RCEP và kết thúc đàm phán hiệp ước đầu tư Trung Quốc-EU.

"Những yếu tố thể chế này rất quan trọng, bởi Trung Quốc có thể phát huy ảnh hưởng tích cực của mình đối với thương mại và đầu tư quốc tế một cách hiệu quả hơn trước", Chris Leung, Trưởng ban kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng DBS (Singapore), đánh giá.

Hiện tại, đồng nhân dân tệ mạnh hơn đang làm dấy lên lo ngại về khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc. Ngân hàng Hang Seng (Hong Kong) dự báo đồng nhân dân tệ sẽ mạnh lên rõ rệt trong năm nay. Các lý do bao gồm kỳ vọng đặc biệt lạc quan của thị trường đối với tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 và đồng USD yếu hơn. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn sẽ tăng tốc trong năm nay.

"Sự phụ thuộc toàn cầu vào chuỗi cung ứng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng lên rất nhiều thay vì suy yếu. Các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa dây chuyền sản xuất để giảm nguy cơ phụ thuộc quá mức đối với Trung Quốc, nhưng điều này sẽ có tác động hạn chế đến thương mại", Wang Dan, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, đánh giá.

Làm sáng tỏ về động lực tăng trưởng thương mại của Trung Quốc, Leung cho biết tăng trưởng xuất khẩu ban đầu được thúc đẩy bởi nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến đại dịch như khẩu trang và thiết bị máy tính để làm việc tại nhà. "Tuy nhiên, sự phục hồi đã được mở rộng kể từ đó, với các mặt hàng khác hiện cũng tăng", ông nói.

Sự phục hồi nhu cầu các mặt hàng không liên quan đến đại dịch cũng sẽ có ích. Ví dụ, doanh số bán lẻ gần đây đã tăng dần lên ở Mỹ. Xuất khẩu đồ nội thất và thiết bị gia dụng của Trung Quốc nhờ vậy phát triển. GAC kỳ vọng Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng thương mại dương trong năm nay, khi nền kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo có thể trở lại đà tăng trưởng ổn định.

Phiên An