Đường cong lợi suất Mỹ phẳng hơn tác động gì đến lộ trình chính sách của Fed?

Vietstock

Ngày đăng 11/12/2017 16:08

Đường cong lợi suất Mỹ phẳng hơn tác động gì đến lộ trình chính sách của Fed?

Vietstock - Đường cong lợi suất Mỹ phẳng hơn tác động gì đến lộ trình chính sách của Fed?

Nếu bạn đang tự hỏi rằng đường cong lợi suất là gì và tại sao nhiều người lại tỏ ra buồn phiền khi đường cong này trở nên phẳng hơn, thì đừng lo không chỉ có bạn băn khoăn về điều này đâu!

Tháng trước, số lượng truy cập tìm kiếm cụm từ “yield curve flattening” trên Google (đường cong lợi suất ngày càng phẳng hơn) lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Và sau đây, Bloomberg sẽ giúp trả lời cho bạn những câu hỏi ở trên.

1. Đường cong lợi suất là gì?

Đường cong lãi suất là đồ thị mô tả mối quan hệ giữa lãi suất và kỳ hạn của một công cụ nợ (cùng mức và chất lượng tín dụng). Đồ thị này bắt đầu với mức lãi suất ở kỳ hạn thấp nhất và mở rộng ra theo thời gian, thường là đến kỳ hạn 30 năm.

Đây là một cách để cho thấy sự khác biệt trong lợi suất mà nhà đầu tư nhận được khi lựa chọn mua trái phiếu ngắn hạn hay dài hạn. Thông thường, nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn khi mua trái phiếu có kỳ hạn dài hơn vì mức độ bất ổn cao hơn. Do đó, đường cong lợi suất có xu hướng dốc lên.

2. Đường cong lợi suất phẳng là gì?

Đường cong lợi suất trở nên phẳng khi khoảng chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu dài hạn và ngắn hạn xuống mức 0%. Nói cách khác, đó là khi lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 30 năm chẳng khác gì lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Còn nếu như khoảng chênh lệch rơi xuống phạm vi âm, thì đường cong được xem là bị đảo ngược (có xu hướng dốc xuống).

3. Tại sao điều này quan trọng?

Trong quá khứ, đường cong lợi suất thường phản ánh cảm nhận của thị trường về nền kinh tế, đặc biệt là về lạm phát. Nếu những nhà đầu tư nghĩ rằng lạm phát tăng lên trong tương lai thì họ sẽ đòi hỏi lợi suất cao hơn để bù đắp cho ảnh hưởng từ lạm phát tăng lên (bởi lãi suất thực bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát). Vì lạm phát thường được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh, một đường cong lợi suất dốc lên thường có nghĩa là nhà đầu tư có kỳ vọng tốt về nền kinh tế. Trong khi đó, đường cong lợi suất “ngược” (dốc xuống) thường là chỉ báo đáng tin cậy cho thấy rủi ro nền kinh tế sắp suy yếu, giống như sự kiện đã xảy ra cách đây 10 năm (khủng hoảng năm 2007-2008). Thật vậy, trong 7 cuộc khủng hoảng trước đây, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 3 tháng đã bị âm.

4. Điều gì đang xảy ra với đường cong lợi suất Mỹ?

Đường cong lợi suất ngày càng trở nên phẳng hơn trong năm 2017, đặc biệt là trong 2 tuần vừa qua. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 2 năm chỉ là 0.56%, giảm từ mức 1.25%). Chênh lệch giữa trái phiếu kỳ hạn 30 năm và 5 năm giờ là 0.63%, thấp hơn mức 1.14% hồi đầu năm nay.

5. Tại sao lại như thế?

Đã xuất hiện nhiều lý thuyết và các yếu tố để giải thích cho hiện tượng trên. Một mặt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang dần nâng lãi suất ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức mạnh hơn trước. Tuy nhiên, ở Mỹ – cũng như phần lớn các quốc gia phát triển khác, lạm phát đang dao động dưới mức kỳ vọng mặc dù tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Điều này đã góp phần kìm hãm lợi suất dài hạn – vốn dường như không nhúc nhích trong thời gian gần đây. Có 2 lý do khác: Thứ nhất là các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm đã tạo ra nhu cầu “không thể thỏa mãn” đối với trái phiếu dài hạn và có chất lượng cao; thứ hai là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục mua trái phiếu dài hạn với quy mô lớn hơn. Cả 2 diễn biến trên đã khiến lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống.

6. Điều này có ý nghĩa gì với Fed?

Đây là một câu hỏi khó. Phần lớn các nhà hoạch định chính sách Fed muốn tiếp tục nâng lãi suất không những để cân bằng với tăng trưởng kinh tế, mà còn nhằm tạo ra khoảng trống để họ hạ lãi suất trong trường hợp xuất hiện một cuộc suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Fed cũng rất sợ việc phải làm xáo trộn thị trường khi xuất hiện khủng hoảng tài chính. Vậy liệu Fed có tiếp tục làm phẳng hóa đường cong lợi suất bằng cách tiếp tục nâng lãi suất ngắn hạn hay không? Nhà đầu tư có thể coi đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Chủ tịch Fed khu vực Cleverland, Loretta Mester, gần đây đã gạt bỏ những nỗi lo về thị trường, trong khi Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết các nhà hoạch định chính sách nên để tâm đến hiện tượng đường cong lợi suất ngày càng phẳng, vì đây là tín hiệu tiêu cực đối với nền kinh tế. Và điều này có khả năng đe dọa đến dự tính nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018 của Fed.

7. Điều gì sẽ xảy ra?

Hàng loạt chiến lược gia trong lĩnh vực thu nhập cố định trên Phố Wall dự báo chênh lệch lợi suất sẽ tiếp tục thu hẹp trong vài năm tới. Nhiều chuyên gia còn cho rằng đường cong lợi suất sẽ phẳng hơn và còn có khi bị đảo ngược trong năm 2018; một số người khác nhận thấy điều này có nhiều khả năng xảy ra vào năm 2019 hơn. Tuy nhiên, miễn là Fed nâng lãi suất ngắn hạn, thì sẽ có nhiều người tiếp tục dự đoán đường cong lợi suất sẽ trở nên phẳng hơn.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)