Trung Quốc dồn lực thúc đẩy kinh tế trong lúc đàm phán thương mại với Mỹ

Vietstock

Ngày đăng 17/01/2019 15:45

Trung Quốc dồn lực thúc đẩy kinh tế trong lúc đàm phán thương mại với Mỹ

Vietstock - Trung Quốc dồn lực thúc đẩy kinh tế trong lúc đàm phán thương mại với Mỹ

Trong lúc Mỹ và Trung Quốc đàm phán về thương mại, Bắc Kinh cũng đang phải làm việc cật lực, sử dụng nhiều đòn bẩy để giữ vững nền kinh tế đang lao đao của họ và thúc đẩy thị trường.

Hôm thứ Tư (16/01), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bơm tiền kỷ lục (83 tỷ USD) vào hệ thống tài chính, nhằm tránh rơi vào khủng hoảng tiền mặt. Đây là động thái mới nhất trong chuỗi các nỗ lực kích thích từ các quan chức Trung Quốc – những người đang cố gắng trấn an nhà đầu tư rằng Chính phủ sẽ gia tăng chi tiêu và thực hiện nhiều động thái hỗ trợ về chính sách trong thời gian tới.

Cũng trong ngày hôm đó, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, thừa nhận nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn và cho biết Chính phủ muốn giữ tăng trưởng trong phạm vi hợp lý thông qua các gói kích thích.

Ở một vài phương diện, điều này có thể gia tăng lợi thế của Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại. Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nền kinh tế yếu ớt của Trung Quốc là một yếu tố đã mang các nhà đàm phán Bắc Kinh tới với bàn đàm phán. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc ổn định trở lại vào giữa năm 2019. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng gần 2.5% trong 6 tháng đầu năm 2019 và sau đó suy giảm xuống dưới 2%.

“Trung Quốc đã tung ra hàng loạt biện pháp kích thích mới. Trong khi đó, chính sách tài khóa của Mỹ đang rơi vào bế tắc và tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ thực sự khiến chính sách tài khóa thắt chặt đôi chút”, các chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch viết trong một báo cáo gần đây. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển từ chế độ nâng lãi suất sang một lập trường cẩn trọng hơn, nhưng “có lẽ họ cần thêm các tín hiệu rõ ràng hơn về đà suy yếu trước khi quyết định cắt giảm lãi suất”.

Đà giảm tốc của nền kinh tế Mỹ diễn ra khi tác động tích cực từ các đợt cắt giảm mạnh thuế và các biện pháp kích thích khác bắt đầu phai nhạt, và chính quyền Trump cũng có ít công cụ để hỗ trợ cho nền kinh tế. Với động thái cẩn trọng hơn từ Fed, các thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ không nâng lãi suất.

“Tại thời điểm này, nền kinh tế giảm tốc và tôi nghĩ có lẽ chỉ là một đợt giảm tốc chứ không phải nền kinh tế sắp rơi vào cuộc suy thoái sâu”, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, cho hay. “Trung Quốc có lẽ đang là trường hợp trầm trọng nhất và là đất nước có tác động mạnh nhất tới phần còn lại của thế giới, vì mức tăng trưởng 5% của Trung Quốc tương đương với GDP thế giới tăng thêm 600 tỷ USD”.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York trong ngày thứ Tư (16/01), ông Dimon cho biết Trung Quốc có thể đẩy mạnh các chính sách theo cách mà Mỹ không thể làm.

“Trung Quốc hiện có đủ lượng tiền cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế”, ông cho hay. “Họ có thể kiểm soát vĩ mô theo cách mà Mỹ không thể làm. Có tới 7 người kiểm soát đất nước này”.

Việc Trung Quốc có sẵn sàng sử dụng các biện pháp kích thích hay không sẽ giúp nước này có lợi thế trong các cuộc đàm phán – một điều chưa từng thấy trước đây. “Tác động trực tiếp từ các hàng rào thuế quan tới nền kinh tế Trung Quốc khó mà xác định được”, Mark Williams, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho hay. Williams cho biết, hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ vẫn đứng vững dù Mỹ áp thêm thuế, trong khi kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ tới Trung Quốc giảm mạnh.

Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ giảm tốc, ông Williams cho biết vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ có vị thế thương lượng tốt hơn nhiều hay không. “Tôi có hoài nghi đôi chút”, Williams cho biết, đồng thời lưu ý rằng kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ tới Trung Quốc không hề đóng góp quá nhiều cho nền kinh tế Mỹ, ngoại trừ một số lĩnh vực như đậu nành.

“Chúng không phải là lý do khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc. Tôi không nghĩ điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc lợi thế đàm phán”, Williams nhận định. “Có lẽ, điều quan trọng hơn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump là liệu S&P 500 và thị trường chứng khoán Mỹ có rớt mạnh hay không. Thị trường lao đao có thể khiến phía Mỹ muốn tiến tới một thỏa thuận thương mại hơn”.

Dù vậy, vẫn còn đó một vài dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang bị tác động mạnh. Chẳng hạn, Apple (NASDAQ:AAPL) cho rằng đà giảm tốc thương mại ở Trung Quốc là lý do khiến doanh số bán iPhone giảm mạnh.

Các chuyên gia kinh tế tại Barclays cho rằng đà giảm 0.6% về giá nhập khẩu tháng 12/2018 xuất phát từ đà lao dốc của giá năng lượng. Các công ty Trung Quốc có thể cũng đang phải đương đầu với những áp lực từ hoạt động thương mại.

“Có người cho rằng để đối phó với hàng rào thuế quan từ Mỹ, các công ty Trung Quốc có thể đã giảm giá bán để duy trì sức cạnh tranh ở thị trường Mỹ”, các chuyên gia kinh tế tại Barclays lưu ý. “Điều này sẽ phù hợp với mẫu hình giá nhập khẩu hàng tháng gần đây – giá nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ từ vào đầu năm 2018, nhưng bắt đầu suy giảm vào giữa mùa hè – thời điểm căng thẳng thương mại leo thang và cả hai nước bắt đầu áp thêm thuế”.

Williams cho rằng, các biện pháp kích thích từ Bắc Kinh có quy mô nhỏ hơn so với những giai đoạn khác mà Chính phủ có can thiệp vào.

“Gần đây, xuất hiện hàng loạt thông báo chính sách từ phía Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là quy mô của các biện pháp này không quá lớn, nhất là khi so sánh với quy mô của các biện pháp kích thích mà chúng tôi từng chứng kiến từ Chính phủ Trung Quốc. Lần này, họ không dồn toàn lực”, ông nói.

“Nếu chúng ta so sánh quy mô của các biện pháp lần này với những gì được đưa ra trong giai đoạn 2015-2016, quy mô của các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ mà chúng ta có cho tới nay có lẽ chỉ bằng 25% so với giai đoạn 2015-2016”, ông Williams cho biết.

“Tôi nghĩ Trung Quốc đang thực hiện những gì mà họ làm tốt nhất”, Joseph Lupton, Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase, cho hay. “Họ nhồi nhét vào tâm trí bạn hàng loạt tuyên bố mới, và điều này sẽ góp phần kìm hãm đà giảm tốc hiện nay. Tôi nghĩ những gì họ đang thực hiện sẽ có tác động tới nền kinh tế, nhưng sẽ không có kiểu tác động như thời sau cuộc khủng hoảng tài chính – khi họ thực sự dồn toàn lực và thúc đẩy tăng trưởng trong vài năm kế tiếp”.

Lupton cho biết ông kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra một thỏa thuận thương mại. Trung Quốc có thể thỏa hiệp về sở hữu trí tuệ và một số yêu cầu khác từ Mỹ, nhưng có lẽ sẽ không từ bỏ chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)