Tín hiệu mới trong cuộc giải cứu ông lớn quỹ tín thác Zhongrong

Vietstock

Ngày đăng 16/09/2023 11:19

Tín hiệu mới trong cuộc giải cứu ông lớn quỹ tín thác Zhongrong

Vietstock - Tín hiệu mới trong cuộc giải cứu ông lớn quỹ tín thác Zhongrong

Zhongrong - ông lớn quỹ tín thác đang gặp rắc rối tài chính - vừa ký thỏa thuận với hai tập đoàn tài chính quốc doanh lớn nhất Trung Quốc. Đây có thể là bước đi dọn đường để giải cứu Zhongrong.

Zhongrong International Trust vừa ký thỏa thuận với Citic Trust - đơn vị thuộc tập đoàn đa ngành Citic Group - và CCB Trust - có sự hậu thuẫn của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB). Thông tin này được đưa ra khoảng 1 tháng sau khi Zhongrong International Trust trễ hạn thanh toán đối với các sản phẩm đầu tư mà họ phát hành ra.

Zhongrong cho biết thỏa thuận này cung cấp dịch vụ quản lý ủy thác và nhắm tới việc cải thiện hiệu quả, nhưng không đề cập cụ thể tới bất kỳ điều khoản hỗ trợ tài chính hoặc các dạng hỗ trợ khác.

Theo tuyên bố ngày 15/09, mối quan hệ nợ nần và quan hệ pháp lý của Zhongrong với các sản phẩm đầu tư tín thác vẫn không thay đổi. Zhongrong sẽ tiếp tục nhận trách nhiệm bên được ủy thác với các sản phẩm đầu tư theo các điều luật có liên quan và các điều khoản của hợp đồng.

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 15/09 và kéo dài 1 năm, nhưng các công ty có thể đàm phán gia hạn hoặc chấm dứt sớm.

Citic Trust hiện đang quản lý khối tài sản 1.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ, trong khi CCB Trust quản lý khoảng 1.4 ngàn tỷ Nhân dân tệ.

Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc chỉ đích danh Citic Trust và CCB Trust rà soát sổ sách của Zhongrong và dẫn dắt nỗ lực ổn định hoạt động của ngân hàng ngầm này, Bloomberg đưa tin.

Zhongrong cũng thừa nhận những rắc rối của mình, cho biết họ không thể trả nợ đúng hạn với một số sản phẩm. Họ đổ lỗi cho nhiều “yếu tố bên trong lẫn bên ngoài”, nhưng không nói rõ.

Zhongrong và công ty quản lý tài sản có liên quan Zhongzhi Enterprise Group gây chấn động trên thị trường tài chính trong tháng trước khi trễ hạn thanh toán. Họ thường bán các sản phẩm đầu tư cho giới người giàu và các công ty. Cuộc khủng hoảng của hai công ty này thậm chí còn châm ngòi cho làn sóng biểu tình ở Bắc Kinh.

Trước khi công chúng biết tới những rắc rối của Zhongrong, Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NAFR) đã thành lập tổ công tác để đánh giá các rủi ro từ Zhongrong, dựa trên nguồn tin thân cận. Nguồn tin này cho biết gần một nửa số tiền mà Zhongrong huy động đã được chuyển đến công ty mẹ hoặc các đơn vị liên kết.

Ngành quỹ tín thác của Trung Quốc cũng là nguồn tài trợ quan trọng cho những doanh nghiệp muốn đi vay mà không đủ điều kiện để ngân hàng cấp khoản vay, ví dụ như các nhà phát triển bất động sản và công ty huy động vốn cho chính quyền địa phương (LGFV).

Các quỹ tín thác huy động vốn từ các khách hàng giàu có và sau đó đầu tư vào hàng loạt dự án và các tài sản khác. Goldman Sachs (NYSE:GS) ước tính ngành quỹ tín thác Trung Quốc có thể phải đối mặt với các khoản lỗ tương đương 38 tỷ USD.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)