Thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện nhiều tín hiệu đáng báo động

Vietstock

Ngày đăng 08/10/2018 12:53

Thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện nhiều tín hiệu đáng báo động

Vietstock - Thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện nhiều tín hiệu đáng báo động

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể đang dao động gần các mức cao kỷ lục, nhưng thị trường có vẻ mong manh hơn những gì thể hiện bên ngoài.

Trong số những tín hiệu cảnh báo là số lượng cổ phiếu giảm nhiều hơn số lượng cổ phiếu tăng, số lượng cổ phiếu dao động ở đáy 52 tuần nhiều hơn lượng cổ phiếu ở đỉnh 52 tuần và đà giảm của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ.

Tuần trước, chỉ số Dow Jones chạm mức cao nhất mọi thời đại trong khoảng thời gian ngắn, còn S&P 500 dao động gần mức cao kỷ lục thiết lập vào ngày 21/09/2018. Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2018.

“Thị trường khỏe mạnh nhất diễn ra khi xu hướng tăng diễn ra trên diện rộng, và đây không phải là trường hợp hiện nay”, Bruce Bittles, Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư tại Baird, cho hay.

Mặc dù các chỉ số chứng khoán chính đang tại hoặc gần mức cao kỷ lục, nhưng số lượng cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đang ở mức đáy 52 tuần đang cao gấp 3 lần so với số lượng cổ phiếu đang ở mức đỉnh 52 tuần trong tuần trước, theo dữ liệu từ SentimenTrader cho thấy. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 28/12/1999, tình trạng này diễn ra và là lần thứ hai kể từ năm 1965, dữ liệu cho thấy.

Nhà đầu tư đang xem xét số lượng cổ phiếu đang ở mức đáy 52 tuần và mức đỉnh 52 tuần để đánh giá mức độ tham gia thị trường. Nói cách khác, số lượng cổ phiếu đạt mức đỉnh 52 tuần cao hơn số lượng ở mức đáy 52 tuần báo hiệu mức độ tham gia thị trường đang gia tăng, và ngược lại.

Cổ phiếu trung bình giảm giá trong tháng 9/2018

Chỉ số S&P 500 tăng 0.4% trong tháng 9/2018, nhưng cổ phiếu trung bình trong chỉ số này lại giảm 0.06% trong tháng vừa qua, dựa trên dữ liệu từ Bespoke Investment Group. Chỉ số chính được tính toán theo tỷ trọng vốn hóa thị trường, vì vậy các cổ phiếu vốn hóa lớn hơn có ảnh hưởng lớn hơn tới chỉ số.

“Đây là kết quả của việc các cổ phiếu lớn nhất trong chỉ số S&P 500 có thành quả tốt hơn so với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn trong tháng 9/2018”, Bespoke cho biết trong một báo cáo.

Microsoft và Exxon Mobil – hai trong số những cổ phiếu lớn nhất trong S&P 500 – tăng tương ứng 1.8% và 6.1% trong tháng trước. Trong khi đó, cổ phiếu Stericycle – nhỏ nhất trong S&P 500 – lao dốc 4.9% trong tháng trước.

Cùng lúc đó, số lượng cổ phiếu đạt mức đỉnh 52 tuần mới trên sàn NYSE (tính trung bình trong 10 ngày) là thấp hơn 100, Andrew Thrasher, Chuyên gia quản lý danh mục tại The Financial Enhancement Group và là nhà sáng lập của Thrasher Analytics, cho hay. Các chuyên viên phân tích kỹ thuật cũng nhấn mạnh, tình trạng này chỉ xảy ra 3 lần trước đó: Trong năm 2009, 2013 và 2014.

Đà tăng gần đây của thị trường chứng khoán cũng gắn chặt với các chỉ số vốn hóa lớn, qua đó để nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ bị tụt lại phía sau. Chỉ số Russell 2000 – bao gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ – chưa đạt mức kỷ lục kể từ ngày 31/08/2018. Kể từ đó, chỉ số này đã giảm 4%, trong khi Dow Jones và S&P 500 leo dốc tương ứng 3.7% và 1.2%.

Trước đó trong năm nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thành quả cao hơn rất nhiều so với nhóm vốn hóa lớn, vì nhà đầu tư rót tiền vào các công ty có tài sản ở nước ngoài thấp trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Dù vậy, những nỗi lo sợ đó đã dịu bớt trong thời gian gần đây, khi Mỹ đồng ý tiến tới thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada.

Vẫn còn đó yếu tố hỗ trợ

“Khi nỗi lo sợ về chiến tranh thương mại lắng xuống, nhóm cổ phiếu Trung Quốc sẽ có thành quả vượt trội và và nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ của Mỹ lại có thành quả thấp hơn nhóm vốn hóa lớn”, Nick Raich, CEO của The Earnings Scout, cho hay. “Đây là chiến lược của các trader và nó đã chi phối diễn biến thị trường”.

“Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giương lá cờ chiến thắng vì thỏa thuận thương mại mới với Canada và Trung Quốc, thị trường đang dần cho rằng, ông ấy sẽ sớm vẫy lá cờ tương tự với Trung Quốc sớm thôi”, Raich cho biết.

Dĩ nhiên, đà tăng này vẫn còn hai yếu tố hỗ trợ: Lợi nhuận doanh nghiệp cao và dữ liệu kinh tế lạc quan.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 25% trong hai quý đầu năm 2018, dựa trên dữ liệu từ FactSet. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4.2% trong quý 2/2018 và 2% trong quý 1/2018.

Ông Thrasher cho biết, thị trường cần những yếu tố này tiếp tục duy trì. “Liệu các chỉ số chứng khoán chính có tiếp tục leo dốc nếu không có mức độ tham gia thị trường cao? Được, nhưng sẽ cần tới môi trường gần như hoàn toàn để điều này diễn ra, như lúc chúng ta chứng kiến lợi nhuận bứt phá trong quý 2/2018. Liệu báo cáo quý 3 có tốt như quý trước và giữ trader tập trung vào một vài cổ phiếu để thúc đẩy thị trường hay không? Giờ thì chờ xem sao”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)