Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới khác gì?

Vietstock

Ngày đăng 16/10/2017 10:16

Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới khác gì?

Vietstock - Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới khác gì?

Các cuộc họp định kỳ hàng năm của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới đang diễn ra khi các nhà lập chính sách trên khắp thế giới tụ họp ở Washington để bàn luận về các vấn đề cấp thiết nhất trên toàn cầu hiện nay.

IMF và WB có sự gắn kết chặt chẽ với nhau (trụ sở của chúng chỉ cách nhau một con đường). Vậy sự khác biệt giữa IMF và WB là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải trở về 7 thập kỷ trước.

Cả IMF và WB đều ra đời sau Hội nghị Bretton Woods của Liên hiệp Quốc (UN) trong tháng 7/1944. Khi đó, những chuyên gia kinh tế hàng đầu từ 44 quốc gia tụ họp lại ở một khách sạn tại New Hampshire để đưa ra một khuôn khổ mới cho hệ thống tiền tệ quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế đều nhất trí cho rằng hệ thống tỷ giá và thanh toán cũ đã thất bại, dẫn tới cuộc Đại Suy thoái, tình trạng phá giá tiền tệ, và sự sụp đổ của chế độ bản vị vàng (gold standard).

James Boughton, quan chức cấp cao tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI) và từng là sử gia tại IMF, cho hay: “Hợp tác kinh tế là mục tiêu chính của mọi người khi họ bắt đầu lên kế hoạch về hệ thống trong suốt Thế Chiến II”.

Chuyên gia kinh tế nổi tiếng John Maynard Keynes, đại diện cho Vương quốc Anh tại Hội nghị Bretton Woods, và Harry Dexter White, Đại diện cho Bộ Tài chính Mỹ, đã tiến tới các điều khoản của hệ thống mới. Sau 3 tuần, một thỏa thuận đã được hình thành, theo đó tạo ra 2 tổ chức riêng biệt là IMF và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) (sau này được biết tới là WB).

Ý tưởng đằng sau việc thành lập IMF là các quốc gia sẽ có ít động cơ để phá giá tiền tệ nếu xuất hiện một tổ chức quốc tế có thể cung cấp các nguồn tài trợ ngắn hạn cho các khoản thâm hụt trong cán cân thanh toán (balance of payment)”, Benn Steil, quan chức cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Nước ngoài (CFR) và là tác giả của cuốn sách "The Battle of Bretton Woods”, cho hay.

IMF có nhiệm vụ quản lý hệ thống tỷ giá cố định, neo các đồng tiền trên toàn cầu với đồng USD – lúc đó đồng bạc xanh được neo theo giá vàng. Ngoài ra, IMF còn chịu trách nhiệm phát hành các khoản cho vay ngắn hạn tới các quốc gia đang gặp khó khăn để cân bằng cán cân thanh toán.

Mục tiêu chính của WB là cung cấp nguồn tài trợ cho các quốc gia – chủ yếu ở châu Âu – cần phải tái thiết sau Thế Chiến II.

Các chuyên gia cho biết vai trò của 2 tổ chức đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm thành lập Bretton Woods hơn 70 năm về trước.

“IMF tích cực tham gia vào các cuộc chiến chống lại khủng hoảng trên khắp thế giới. Cả người Anh lẫn người Mỹ chẳng bao giờ nghĩ rằng IMF sẽ làm điều này”, ông Steil cho hay.

Ngày nay, IMF tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên nền kinh tế toàn cầu, cung cấp các hỗ trợ về phương diện kỹ thuật và đào tạo để thi hành các chính sách kinh tế, cung cấp các khoản cho vay đến các nước thành viên đang cần nguồn tài trợ. Trong khi đó, WB lại tập trung chủ yếu vào phát triển và xóa đói giảm nghèo.

Cả 2 tổ chức bao gồm 189 thành viên, và có hoạt động rộng rãi trên khắp toàn thế giới. WB nhận được tài trợ bằng cách phát hành trái phiếu tới các nhà đầu tư trên toàn cầu, còn IMF được tài trợ từ phần đóng góp của các nước thành viên.

Dẫu vậy, IMF và WB đều bị phàn nàn, một phần là do những điều kiện gắn liền với các khoản cho vay của họ. IMF hứng chịu chỉ trích vì liên tục cứu vớt các quốc gia như Hy Lạp. Trong khi đó, WB bị cáo buộc rằng họ đã bỏ qua các tác động về xã hội và môi trường trong một số dự án của mình.

Tuy nhiên, ông Boughton cho biết vai trò của IMF và WB có thể thay đổi nhiều hơn nữa khi nền kinh tế toàn cầu phát triển.

“Các nhiệm vụ cơ bản của IMF và WB không hề thay đổi. Những gì thay đổi là nhu cầu của các quốc gia trên thế giới đã gia tăng rất nhiều”, ông cho biết.

Vũ Hạo