Nguy cơ “bong bóng” công nghệ hiện hữu

Vietstock

Ngày đăng 18/06/2023 18:06

Nguy cơ “bong bóng” công nghệ hiện hữu

Vietstock - Nguy cơ “bong bóng” công nghệ hiện hữu

Thị trường chứng khoán năm 2023 không hoàn toàn như vẻ ngoài chúng ta đang thấy.

 

Thoạt nhìn, những người bi quan đang bị đánh bại. Giới đầu tư và các nhà phân tích có tầm ảnh hưởng lớn bước vào năm 2023 với dự đoán về tác động tiêu cực của chuỗi tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022. Quan điểm đồng thuận được đưa ra là một cuộc suy thoái kinh tế sẽ tấn công Mỹ, kéo giá cổ phiếu đi xuống.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra, bất chấp một loạt vụ phá sản của các ngân hàng khu vực trong 3 tháng đầu năm nay. Kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng và chỉ số S&P 500, chỉ số đo lường hiệu quả của các cổ phiếu bluechip tại Mỹ và “kim chỉ nam” cho nhà đầu tư trên toàn thế giới, đã tăng hơn 14% kể từ đầu năm nay. Vẫn còn hai tuần nữa mới kết thúc tháng 06, song cho tới thời điểm hiện tại, S&P 500 đã có nửa đầu năm tốt nhất trong hai thập kỷ qua.

Nhưng xu hướng tăng chỉ là của một số ít doanh nghiệp, chứ không phải toàn thị trường. Chỉ cần loại bỏ nhóm doanh nghiệp này, tất cả đều là “gã khổng lồ” về công nghệ, chỉ số này sẽ chẳng đi đến đâu.

Các công ty công nghệ lớn thống trị chỉ số S&P 500

“Thông thường, khi chỉ một số ít cổ phiếu tăng tốt, thì có nghĩa là chúng đã bị định giá quá cao và bị đầu cơ. Kết quả sẽ là, chúng ta có một ‘bong bóng’ công nghệ, giống như những gì xảy ra vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000”, Remi Olu-Pitan, giám đốc danh mục đầu tư đa tài sản tại Schroder, cho biết. “Nói cách khác, chúng ta có lẽ đang gieo mầm cho điều đó xảy ra một lần nữa”.

Việc các cổ phiếu lớn nhất có tỷ trọng lớn, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, không phải mới.

Frédéric Leroux, giám đốc bộ phận tài sản chéo tại Carmignac, cho biết: “Các cổ phiếu công nghệ lớn S&P hiện nay cũng giống như các công ty dầu mỏ trong quá khứ, hay Nifty 50 vào những năm 1960”. Ông cho biết “cơn sốt đầu tư” đã đẩy giá cổ phiếu của một số ít công ty tăng trưởng nhanh, như IBM (NYSE:IBM), Kodak và Xerox, lên cao hơn trước khi giảm mạnh. “Đó là một vấn đề cứ bị lặp đi lặp lại”.

Nhưng vấn đề đó giờ cực đoan hơn nhiều. Nó có thể giúp che đi hiệu suất tồi tệ của phần lớn cổ phiếu và khiến việc đưa ra quyết định đầu tư phức tạp hơn đối với cả những người mua cổ phiếu riêng lẻ và người thích theo dõi các chỉ số. Một số người cảnh báo rằng nó là dấu hiệu của một thị trường nguy hiểm sắp tới.

Hiệu suất của chỉ số S&P 500 hiện chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu lớn. Bảy trong số những cổ phiếu lớn nhất, gồm Apple (NASDAQ:AAPL), Microsoft (NASDAQ:MSFT), Alphabet, Amazon (NASDAQ:AMZN), Nvidia (NASDAQ:NVDA), Tesla (NASDAQ:TSLA) và Meta, tăng cao hơn phần còn lại, tăng từ 40 - 180% kể từ đầu năm nay. Nhìn chung, 493 công ty còn lại không thay đổi.

Chưa bao giờ các công ty công nghệ lớn lại thống trị chỉ số S&P 500 như hiện nay. Chỉ 5 trong 7 cổ phiếu trên đại diện cho gần 1/4 vốn hóa thị trường của toàn bộ S&P 500. Với giá trị thị trường ở 2,900 tỷ USD, riêng Apple đã tương đương tổng giá trị thị trường của hơn 100 công ty niêm yết hàng đầu tại Vương quốc Anh.

Nvidia, nhà sản xuất chip đang hưởng lợi từ sự phát triển của AI, đã đạt được mức vốn hoá 640 tỷ USD chỉ trong năm nay. Con số này gần bằng tổng giá trị thị trường của JPMorgan và Bank of America, hai ngân hàng lớn nhất ở Mỹ.

Ed Cole, một giám đốc đầu tư tại Man GLG, cho biết hiệu suất tăng vọt của một số ít cổ phiếu đã khuấy động tâm lý sợ bị bỏ lỡ, hay FOMO, của một số nhà đầu tư. Và điều nguy hiểm chính là bỏ trứng vào một giỏ.

Kim Dung (Theo FT)