Ông Trump đang đàm phán với Trung Quốc để cứu vớt ZTE

Vietstock

Ngày đăng 14/05/2018 09:26

Ông Trump đang đàm phán với Trung Quốc để cứu vớt ZTE

Vietstock - Ông Trump đang đàm phán với Trung Quốc để cứu vớt ZTE

Hôm Chủ nhật (13/05 – giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ giúp công ty công nghệ Trung Quốc, ZTE Corp, hoạt động trở lại một cách nhanh chóng – một doanh nghiệp đã bị tác động nghiêm trọng bởi một lệnh cấm từ phía Mỹ. Điều này cho thấy Mỹ đã nhượng bộ đối với Bắc Kinh trước thềm cuộc đàm phán thương mại quan trọng trong tuần này.

ZTE đã tạm ngưng hoạt động chính của mình sau khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho công ty này trong vòng 7 năm. Đây là biện pháp trừng phạt đối với ZTE vì đã vi phạm hợp đồng đã nhất trí trước đó, sau khi công ty này bị bắt quả tang đang chuyển hàng hóa Mỹ tới Iran một cách trái phép.

Việc ông Trump chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ (trên mạng xã hội Twitter) được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với quan chức thương mại hàng đầu Trung Quốc, ông Lưu Hạc, để giải quyết các bất đồng thương mại ngày càng dâng cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Sự thay đổi quan điểm của ông Trump có khả năng sẽ xoa dịu mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đó,  hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đã đề xuất áp thuế bổ sung hàng chục tỷ USD lên hàng hóa của nhau trong vài tuần gần đây, qua đó làm dấy lên nỗi lo hai nước này sẽ tiến tới một cuộc chiến thương mại thật sự – một sự kiện có thể gây tổn thương tới chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp.

Trong cuộc đàm phán thương mại ở Bắc Kinh trước đó trong tháng 5/2018, Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ nới lỏng bớt lệnh trừng phạt lên ZTE – một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất trên thế giới, dựa trên nguồn thông tin thân cận.

Việc ông Trump hồi tâm chuyển ý về ZTE có thể tác động rất mạnh tới thị phần của các nhà sản xuất linh kiện quang học của Mỹ, như  Acacia Communications Inc và Oclaro Inc – cổ phiếu của hai công ty này đã giảm mạnh khi Mỹ áp lệnh cấm xuất khẩu hàng tới ZTE.

ZTE đã chi hơn 2.3 tỷ USD cho 211 nhà xuất khẩu tại Mỹ trong năm 2017, một quan chức cấp cao của ZTE cho biết trong ngày thứ Sáu (11/05/2018).

 “Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc đã biến mất. Bộ Thương mại Mỹ đã được chỉ đạo để giải quyết việc này!”, ông Trump cho biết trên mạng xã hội Twitter, đồng thời nói thêm ông đang đàm phán với Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, để tìm phương án giải quyết.

Bộ Thương mại Mỹ, ZTE và Đại sứ Trung Quốc chưa bình luận về vấn đề trên.

Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng cuộc điều tra vào công ty ZTE, sau khi hãng tin Reuters ghi nhận trong năm 2012 rằng công ty này đã ký hợp đồng chuyển hàng triệu USD phần cứng và phần mềm từ một số công ty công nghệ nổi tiếng nhất của Mỹ tới Iran.

Trong năm 2017, ZTE đã nhận tội vì đã lên kế hoạch bí mật vi phạm lệnh trừng phạt bằng cách chuyển hàng hóa và công nghệ Mỹ tới Iran một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó họ đã tiến tới một thỏa thuận với Chính phủ Mỹ. Lệnh cấm các công ty Mỹ chuyển hàng tới ZTE là kết quả của việc công ty này không tuân thủ theo thỏa thuận trước đó với Chính phủ Mỹ, Bộ Thương mại cho hay.

Mỹ đã đưa ra lệnh cấm chỉ hai tháng sau khi hai Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa đưa ra quy định nhằm ngăn chặn Chính phủ Mỹ mua hoặc thuê thiết bị viễn thông từ ZTE hoặc Huawei, vì lo ngại rằng các công ty này sẽ sử dụng chúng để theo dõi các quan chức Mỹ.

Không nói rõ cụ thể công ty hoặc quốc gia, Chủ tịch của Ủy ban Truyền thông Liên bang, Ajit Pai, gần đây cho biết “cánh cửa hậu” bí ẩn kết nối với mạng lưới của chúng ta trong các bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch và các thiết bị mạng khác có thể cho phép các thế lực nước ngoài bơm nhiễm vi rút và các phần mềm độc hại khác, đánh cắp dữ liệu riêng tư của người Mỹ, theo dõi các doanh nghiệp Mỹ và nhiều hơn thế nữa.

ZTE phụ thuộc khá nhiều vào các công ty Mỹ như Qualcomm Inc, Intel Corp và Google – công ty con của Alphabet. Theo ước tính, các công ty Mỹ cung cấp 25-30% linh kiện được sử dụng trong các thiết bị của ZTE –bao gồm các chiếc điện thoại thông minh và các thiết bị để xây dựng mạng lưới viễn thông.

Claire Reade, Luật sư thương mại và từng là trợ lý của Đại diện Thương mại Mỹ về các vấn đề Trung Quốc, cho biết lệnh cấm lên ZTE quả là một cú sốc tới bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc và có thể còn đáng ngại hơn cả lời đe dọa áp thuế bổ sung 50 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump.

Vũ Hạo (Theo CNBC)