Mỹ có thể không còn công cụ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp

Vietstock

Ngày đăng 19/07/2018 15:16

Mỹ có thể không còn công cụ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp

Vietstock - Mỹ có thể không còn công cụ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp

10 năm sau cuộc suy thoái năm 2008, ba nhà hoạch định chính sách – từng chèo lái nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng trước đó – tỏ ra lo ngại rằng Mỹ không được trang bị đầy đủ để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế kế tiếp.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke

Phát biểu tại bàn tròn thảo luận trong ngày thứ Ba (17/07), cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke, cùng với hai cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner và Henry Paulson, nhắc lại những bài học mà họ đã rút ra từ cuộc khủng hoảng năm 2008, và lo ngại rằng người dân Mỹ có lẽ đã lãng quên những bài học này.

“Một trong những bài học quan trọng nhất từ cuộc khủng hoảng năm 2008 là bạn phải làm việc cật lực để đảm bảo rằng bạn có khả năng phòng thủ vững chắc”, AP dẫn lại lời ông Geithner nói với các thính giả. “Chúng ta để hệ thống tài chính tăng trưởng nhanh hơn các biện pháp bảo vệ mà chúng ta đã đặt ra trong cuộc Đại Suy thoái... và điều này làm hệ thống tài chính trở nên rất mong manh và dễ vỡ trước tình trạng hoảng loạn”.

Việc nới lỏng các quy định ngân hàng và tình trạng chấp nhận rủi ro quá mức đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái của thập niên 30. Gần 9 triệu người bị đào thải ra khỏi thị trường việc làm sau cuộc khủng hoảng 10 năm trước. Ngoài ra, sự hồi phục chậm chạp sau đó và tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nới rộng đã tạo ra sự bất mãn trên diện rộng – một điều được thể hiện rõ ràng trong sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy.

Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ và Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực tháo gỡ Đạo luật Dodd-Frank – một đạo luật nhằm tăng cường sự giám sát của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính nhằm ngăn chặn các ngân hàng tham gia vào các hành vi rủi ro cao.

Những chuyên gia này tỏ ra lo ngại về việc nới lỏng quy định, và ông Geithner lo sợ rằng các công cụ để sử dụng trong tình trạng khẩn cấp – như đã sử dụng trong năm 2008 – đã phần nào suy giảm bớt tại thời điểm này.

Các cuộc cải cách về pháp lý đã áp đặt giới hạn lên Fed, Bộ Tài chính Mỹ và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC), qua đó chấm dứt khả năng thực hiện các khoản cho vay khẩn cấp để hỗ trợ các ngân hàng đang gặp rắc rối. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, các nhà hoạch định chính sách trên đã chọn phương án giải cứu các ngân hàng thay vì để toàn bộ hệ thống ngân hàng sụp đổ – một điều mà họ tin rằng sẽ mang lại nhiều hậu quả vô cùng thảm khốc.

Ông Bernanke – người giữ chức Chủ tịch Fed dưới thời Tổng thống George W. Bush và Barack Obama – cũng nhấn mạnh tới khoản thâm hụt ngày càng gia tăng của nước Mỹ, đồng thời lên tiếng chỉ trích thời điểm đưa ra các gói cắt giảm thuế và kích thích tài khóa của chính quyền Donald Trump khi nền kinh tế đã gần đạt tình trạng toàn dụng nhân công (full employment).

Với mức nợ và thâm hụt cao hơn nhiều so với thời điểm 10 năm trước, Mỹ sẽ có ít khả năng tự vệ trong cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo – những sự kiện thật sự cần tới các gói kích thích kinh tế.

Hơn nữa, Fed có ít khả năng giảm lãi suất trong cuộc khủng kinh tế tiếp theo. Hiện phạm vi lãi suất chuẩn của Fed là 1.75%-2%, thấp hơn nhiều so với mức 5.25% trong mùa hè năm 2007.

Dù vậy, bộ ba Geithner, Bernanke và Paulson cũng lên tiếng khen ngọi về một lĩnh vực ngân hàng mạnh hơn và sự cải thiện về khả năng của Chính phủ Mỹ trong việc đối phó với các tổ chức gặp rắc rối trước khi họ cần tới các gói cứu trợ.

Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế này đặc biệt lo ngại về khoản nợ của Mỹ. Khoản nợ liên bang Mỹ hiện ở mức 77% GDP, gấp đôi so với mức của năm 2007.

“Nếu như chúng ta không hành động thì đây chắc chắn sẽ là cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà chúng ta phải trải qua”. Cuộc khủng hoảng này sẽ từ từ bóp nghẹt nước Mỹ", ông Paulson chia sẻ.

Vũ Hạo (Theo CNBC)