Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lại tăng vọt, TTCK Mỹ hoảng loạn

Vietstock

Ngày đăng 16/05/2018 11:19

Cập nhật 16/05/2018 17:07

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lại tăng vọt, TTCK Mỹ hoảng loạn

Vietstock - Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lại tăng vọt, TTCK Mỹ hoảng loạn

Hồi cuối tháng 4/2018, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ chính thức vượt mức 3% lần đầu tiên kể từ năm 2014, qua đó khiến cả thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào tình thế hoảng loạn. Và diễn biến này vừa mới lặp lại trong ngày thứ Ba (15/05 – giờ địa phương).

Nỗi lo ngại về lạm phát gia tăng đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu Chính phủ Mỹ trong ngày thứ Ba (15/05). Làn sóng bán tháo nặng nề đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên mức 3.093%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.

* Cột mốc 3% của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ quan trọng như thế nào với TTCK Mỹ?

* Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm vượt ngưỡng 3% lần đầu tiên kể từ năm 2014

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng là một thước đo chuẩn để xác định lãi suất cho vay, bao gồm vay thế chấp, vay mua xe và lãi suất thẻ tín dụng.

Làn sóng bán tháo trên thị trường trái phiếu Mỹ đã bắt đầu sau khi Chính phủ Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh trong tháng 4/2018, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ khởi đầu quý 2/2018 với tín hiệu tích cực. Doanh số bán lẻ tương đôi yếu trong tháng 2 và tháng 3/2018 được điều chỉnh tăng, lại thêm một dấu hiệu chỉ ra lạm phát đang gia tăng.

* Goldman Sachs: Nền kinh tế Mỹ đang xảy ra 1 điều rất lạ và có thể khiến lãi suất tăng mạnh

Lợi suất trái phiếu cao hơn đang kìm hãm đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ. Đêm qua, Dow Jones giảm 193 điểm (tương đương 0.78%) xuống 24,706.41 điểm sau khi tăng liền 8 phiên lên mức cao nhất trong gần 2 tháng. Còn chỉ số S&P 500 mất 18.68 điểm (tương đương 0.68%) còn 2,711.45 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 59.69 điểm (tương đương 0.81%) xuống 7,351.63 điểm.

Thị trường chứng khoán – vốn rất nhạy cảm với lãi suất – đã bị tác động trong ngày thứ Ba (15/05) khi nhà đầu tư “thẩm thấu” mức lãi suất đi vay cao hơn. Lĩnh vực bất động sản, viễn thông và tiện ích đều giảm 1%.

“Đây rõ ràng là một mức quan trọng. Nó cũng hợp lý khi chứng khoán bị bán tháo”, ông Kristina Hooper, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco, cho hay.

Guy LeBas, Trưởng Bộ phận Chiến lược tài sản có thu nhập cố định tại Janney Capital, cho biết lợi suất trái phiếu có thể tăng thêm, ít nhất là trong ngắn hạn.

“Chúng ta chỉ còn một chút nữa là đến mức 3.2%”, ông LeBas cho hay.

Mặc dù lợi suất vẫn còn khá thấp, nhưng tốc độ gia tăng lại khiến một số nhà đầu tư hoảng sợ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm khởi đầu ngày hôm qua ở mức 2.99%. Và mới tháng 9/2017, lợi suất này chỉ trên 2%.

Trái phiếu Chính phủ Mỹ đã chịu áp lực bán tháo trong năm nay vì nhà đầu tư lo ngại, lạm phát tăng nhanh hơn sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. Đà tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hồi cuối tháng 1 và tháng 2/2018 đã khiến nhà đầu tư mất cảnh giác, qua đó khiến chứng khoán sụt mạnh.

Nhiều năm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ (cực kỳ an toàn) ở mức thấp đã khiến dòng tiền đổ sang các chứng khoán có rủi ro cao, qua đó thổi phồng giá của chúng. Khi xu hướng bắt đầu đảo ngược, thị trường chứng khoán Mỹ cũng lao dốc.

Lạm phát – vốn thấp một cách lạ kỳ trong nhiều năm – bỗng tăng nhanh chóng trong vài tháng gần đây. Các doanh nghiệp than vãn về chi phí cao hơn ở mọi thứ, từ các nguyên vật liệu thô cho tới vận chuyển. Tỷ lệ thất nghiệp thấp (3.9%) cho thấy tiền lương cuối cùng cũng có thể gia tăng.

Hộ gia đình và doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí năng lượng cao hơn vì đà tăng của giá dầu và giá xăng.

Ở mức độ thấp nhất, lạm phát cao hơn cho thấy Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất và thu hẹp số dư trên bảng cân đối kế toán của mình. Nếu lạm phát tăng vượt mức 2% (mức mà Fed cho là lành mạnh đối với nền kinh tế) thì NHTW có thể buộc phải nâng lãi suất quyết liệt hơn.

Nỗi lo sợ về trái phiếu cũng xuất phát từ mức tăng trưởng mạnh hơn của nền kinh tế Mỹ và nhu cầu vay nợ ngày càng tăng của Washington. Các đợt cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với các đợt gia tăng chi tiêu, đã buộc Chính phủ Mỹ phải bán ra trái phiếu Chính phủ trong lúc Fed đang cắt giảm chúng.

Vũ Hạo (Theo CNNMoney)