Harley-Davidson có nên lo lắng về cuộc chiến thương mại không?

Vietstock

Ngày đăng 20/07/2018 21:30

Harley-Davidson có nên lo lắng về cuộc chiến thương mại không?

Vietstock - Harley-Davidson có nên lo lắng về cuộc chiến thương mại không?

Harley-Davidson (NYSE: HOG) đang bị Liên minh châu Âu (EU) đưa vào tầm ngắm phải phạt nặng để đáp trả lại các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên thép và nhôm nhập khẩu là điều đã đủ tệ, nhưng quyết định chuyển một số việc sản xuất ra nước ngoài của công ty này nhằm tránh các mức thuế cao lại càng làm cho ông Trump tức giận, khi ông hứa sẽ trừng phạt nhà sản xuất xe mô tô này vì những hành động của họ.

Câu hỏi đặt ra là, các nhà đầu tư có nên lo lắng ông Trump sẽ thực sự biến những lời lẽ của ông thành chính sách? Có lẽ là không.

Một tổng thống “bắt nạt”

Harley-Davidson đã thực hiện một quyết định kinh doanh thông minh khi đưa việc sản xuất xe máy dành cho thị trường châu Âu đến một hoặc nhiều cơ sở sản xuất ở Brazil, Ấn Độ hoặc Úc để né thuế. Trước đó, họ cũng đã công bố mở một nhà máy lắp ráp mới ở Thái Lan để tránh các mức thuế châu Á và giảm chi phí vận chuyển.

Họ đang phải đối mặt với doanh số bán hàng giảm mạnh ở Mỹ, và doanh số bán xe máy nước ngoài đang tăng.

Rủi thay, ông Trump dường như xem tuyên bố trên như là một hành động xúc phạm đến cá nhân ông. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng ông Trump "cảm thấy bị phản bội" vì biện pháp cải cách thuế mà ông ký trước đây đã giúp các công ty như Harley-Davidson.

Ông Trump đã post một loạt tweet với nội dung rằng "Một chiếc Harley-Davidson không bao giờ nên được sản xuất ở một quốc gia khác - không bao giờ!" và thề rằng "họ sẽ bị đánh thuế thật nặng!" Ông cũng lưu ý rằng chính quyền của ông đang làm việc với những nhà sản xuất xe máy nước ngoài nhằm thu hút các đối thủ cạnh tranh mới đến Mỹ để “đấu” với Harley.

Nhà sản xuất xe này đã không phản ứng lại những lời chỉ trích của Tổng thống, nhưng có vẻ như ông Trump đã nhầm về những gì Harley-Davidson đang dự định thực hiện, bởi vì ông tiếp tục post trên Twitter như sau: "Các công ty hiện đang trở lại Mỹ. Harley phải biết rằng họ sẽ không thể bán lại vào Mỹ mà không phải trả một khoản thuế lớn!"

Chi phí bảo hộ cao

Việc sản xuất xe máy mà Harley đang chuyển ra nước ngoài không phải là dành cho thị trường Mỹ. Những chiếc xe họ bán ở Mỹ vẫn sẽ được sản xuất ở quốc gia này, nhưng ông Trump có thể đã đồng ý với các công đoàn sản xuất xe, những tổ chức mà cho rằng nhà máy lắp ráp mới ở Thái Lan đó đang mang việc của người Mỹ ra nước ngoài.

Harley cũng tranh luận rằng các công việc của người Mỹ vẫn thực sự đang được giữ nguyên vì các bộ phận tạo nên chiếc xe vẫn đang được sản xuất ở Mỹ; những chiếc xe chỉ đang được lắp ráp ở nước ngoài.

Bằng cách lắp ráp xe máy ở Thái Lan, họ tránh phải trả mức thuế 60% mà quốc gia này áp dụng cho hàng nhập khẩu của Mỹ. Trung Quốc áp đặt mức thuế suất 30%; còn Malaysia là 23%; và Đài Loan là 20%. Bằng cách lắp ráp xe ở châu Á, Harley tránh được những chi phí đó, và điều quan trọng tương đương là làm giảm cả chi phí và thời gian liên quan đến việc vận chuyển chúng từ Mỹ. Chẳng hạn, Harley lưu ý rằng thời gian vận chuyển đến Trung Quốc sẽ giảm từ 45-60 ngày xuống chỉ còn 5-7 ngày.

Công ty xe máy này nói rằng bằng cách lắp ráp xe cho thị trường châu Âu ở nước ngoài, họ có thể tránh được mức tăng giá 2,200 USD trên mỗi chiếc xe của họ, do phải đối mặt với các mức thuế mới.

Gần đây, đối thủ Polaris Industries của Harley cho biết họ cũng đang xem xét việc chuyển một số công đoạn sản xuất thương hiệu xe máy Ấn Độ ra khỏi Mỹ để tránh thuế.

Làm cho tình hình tồi tệ trở nên tệ hại hơn

Bằng cách liên tục gia tăng chỉ trích chống lại Harley-Davidson, ông Trump đang thực sự làm cho tình hình của nhà sản xuất xe này trở nên tệ hơn khi một số người mua xe có thể từ chối mua một chiếc Harley-Davidson và quay sang ủng hộ một nhà sản xuất khác. Doanh số bán hàng của Harley tại Mỹ trong quý đầu tiên đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy nhanh mức sụt giảm đã diễn ra trong bốn năm qua.

Ngoài ra, nếu ông Trump lôi kéo thành công các nhà sản xuất xe máy khác để cạnh tranh với Harley, thì điều đó có thể khiến vị trí cạnh tranh của họ tồi tệ hơn, vì họ đã mất thị phần trong thời gian qua, nhưng điều đó có thể không thành hiện thực.

Các nhà sản xuất nước ngoài không thật sự hứng thú về cuộc chiến thương mại đang leo thang. BMW, công ty sản xuất cả xe hơi lẫn xe máy, đang phản đối vấn đề thuế, còn Hyundai thì nói rằng các mức thuế trên xe hơi sẽ mang tính “tàn phá”. Thật dễ dàng để tưởng tượng ra rằng các nhà sản xuất xe máy nước ngoài khác cũng cảm thấy như vậy, còn nếu ông Trump giúp các nhà sản xuất xe đến từ Nhật Bản như Honda, Kawasaki và Suzuki cạnh tranh với Harley, thì điều đó sẽ không tốt tí nào.

Rốt cuộc, có vẻ như những ảnh hưởng từ cơn giận của ông Trump đối với Harley-Davidson sẽ không đáng kể. Đầu tiên, những chiếc Harley dành cho thị trường Mỹ vẫn đang được sản xuất ở quốc gia này, vì vậy họ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ khoản thuế nào cao hơn, như ông Trump đề nghị, và các đối thủ cạnh tranh cũng chẳng hề thích cuộc chiến thương mại. Dù một vài người mua có thể bị thuyết phục không mua một chiếc Harley vì niềm tin sai lầm rằng việc làm của Mỹ đã được chuyển ra nước ngoài, nhưng Harley-Davidson vẫn là công ty xe mô tô Mỹ tinh túy, và đối với những ai xem đó là lợi điểm bán hàng chính, thì điều đó không hề thay đổi.

Nhã Thanh (Theo IBTimes)