Giảm tiếp hơn 3.5% và rớt mốc 58 USD, dầu WTI nới dài chuỗi giảm sang phiên thứ 12

Vietstock

Ngày đăng 13/11/2018 22:15

Giảm tiếp hơn 3.5% và rớt mốc 58 USD, dầu WTI nới dài chuỗi giảm sang phiên thứ 12

Vietstock - Giảm tiếp hơn 3.5% và rớt mốc 58 USD, dầu WTI nới dài chuỗi giảm sang phiên thứ 12

Giá dầu tiếp tục giảm trong ngày thứ Ba (13/11) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ngăn Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường.

Đà giảm trong ngày thứ Ba (13/11) nới dài chuỗi lao dốc của dầu WTI sang phiên thứ 12 liên tiếp.

Tính tới lúc 22h ngày thứ Ba (13/11 – giờ Việt Nam), hợp đồng dầu Brent tương lai giảm 3.54% xuống 67.64 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai lao dốc 3.7% xuống 57.71 USD/thùng.

Diễn biến trên thị trường năng lượng vào lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC

Cả hai hợp đồng này đều rớt hơn 20% so với mức đỉnh 4 năm xác lập hồi đầu tháng 10/2018.

“Thị trường ngày càng lo ngại về khả năng dư cung”, Norbert Ruecker, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô và hàng hóa tại ngân hàng Thụy Sỹ Julius Baer, cho hay. “Các quỹ đầu cơ và các nhà đầu cơ khác nhanh chóng thay đổi từ bên mua sang bên bán”.

Quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Ả-rập Xê-út, cảnh báo nguồn cung đã bắt đầu vượt nhu cầu, có khả năng rơi vào tình trạng dư cung trở lại – một yếu tố đã khiến giá dầu đổ đèo trong năm 2014.

Hôm thứ Hai (12/11), Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, cho biết, OPEC nhất trí là cần phải cắt giảm nguồn cung bớt 1 triệu thùng/ngày so với mức tháng 10/2018 vào năm tới để ngăn chặn tình trạng dư cung.

Trong ngày thứ Ba (13/11), OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2019 trong 4 tháng liên tiếp. Tổ chức này cho biết, tăng trưởng nguồn cung từ các quốc gia bên ngoài OPEC sẽ vượt mức tăng trưởng nhu cầu, có khả năng dẫn tới tình trạng dư cung trên thị trường.

Thế nhưng, ông Trump nói rõ ông muốn giá dầu giảm.

Trong ngày Hai (12/11), Tổng thống Mỹ viết trên Twitter rằng: “Hy vọng là Ả-rập Xê-út và OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu. Giá dầu nên giảm thêm dựa trên nguồn cung hiện nay!”.

Nhận định này đã góp phần dẫn tới đà giảm mạnh của giá dầu trong ngày thứ Hai (12/11) và làn sóng bán tháo lại tiếp diễn trong ngày thứ Ba (13/11).

“Dòng tweet chắc chắn là chẳng giúp ích gì cho giá dầu”, Chiến lược gia hàng hóa tại ING, Warren Patterson, cho hay.

Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – dao động gần mức đỉnh 16 tháng, qua đó khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ những đồng tiền khác.

Việc khai thác dầu từ các mỏ đá phiến ở Mỹ đã đẩy sản lượng dầu nước này lên mức cao kỷ lục trong năm 2018, với sản lượng dầu thô giờ đã đạt 11.6 triệu thùng/ngày. Nhờ đó, Mỹ có thể tự cung tự cấp về năng lượng.

Merrill Lynch cho biết, sản lượng dầu thô tại Mỹ sẽ vượt qua ngưỡng 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019, qua đó thúc đẩy việc xuất khẩu dầu tới phần còn lại của thế giới.

Sản lượng dầu không chỉ tăng ở Mỹ. Trong ngày thứ Ba (13/11), Kazakhstan cho biết sản lượng dầu tăng 4.8% lên 74.5 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2018.

Vũ Hạo (Theo CNBC)