Dow Jones sụt 400 điểm, chứng khoán châu Âu đỏ lửa

Vietstock

Ngày đăng 28/02/2022 22:00

Dow Jones sụt 400 điểm, chứng khoán châu Âu đỏ lửa

Vietstock - Dow Jones sụt 400 điểm, chứng khoán châu Âu đỏ lửa

Chứng khoán Mỹ và châu Âu giảm mạnh trong ngày 28/02 khi các Nga và Ukraine họp mặt để bàn luận về khả năng chấm dứt xung đột giữa hai bên.

Tính tới lúc 21h46 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 400 điểm (tương đương 1.2%), S&P 500 hạ 1% và Nasdaq Composite mất 0.8%.

Sắc đỏ cũng lan tới chứng khoán châu Âu, với chỉ số DAX giảm 2.26%, FTSE MIB lao dốc 3.06% và CAC sụt 2.54%. Chỉ số chuẩn của châu Âu Stoxx 600 giảm 1.29%.

Nguồn: CNBC

Diễn biến tiêu cực xảy ra giữa lúc xung đột Nga-Ukraine leo thang. Hiện tại, các quan chức Ukraine đã tới gần biên giới Belarus để đàm phán với các quan chức Nga.

“Chiến tranh tạo môi trường né tránh rủi ro cho các tài sản rủi ro cao khi giới đầu tư toàn cầu trú ẩn vào trái phiếu Chính phủ và các kênh trú ẩn khác cho tới khi hai bên kết thúc xúc đột hoặc một bình thường mới xuất hiện… Mọi thứ về tình cảnh hiện tại là chưa hề có tiền lệ, vì vậy sẽ hợp lý khi nói rằng thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục biến động mạnh cho tới khi xuất hiện giải pháp”, Raymond James, Chiến lược gia tại Tavis McCourt, cho biết trong báo cáo.

Trong phiên giao dịch Mỹ, cổ phiếu liên quan tới quân sự Lockheed Martin (NYSE:LMT) và Northrop Grumman tăng 2%. Cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực nặng nề, với JPMorgan rớt 2.8%.

Thị trường tiền tệ cũng biến động cực mạnh trong ngày 28/02. NHTW đã tăng lãi suất từ 9.5% lên 20% trong một nỗ lực kìm hãm đà giảm của đồng Rúp.

“Chúng ta có thể đã chứng kiến đà giảm mạnh nhất của đồng Rúp trong lịch sử hiện đại, nhưng đây khó lòng là đáy của đồng tiền này”, Alex Kuptsikevich, Chuyên viên phân tích thị trường cấp cao tại FxPro, cho hay.

Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt với Nga, chặn đứng giao dịch bằng USD

Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này đã cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và quỹ đầu tư nước ngoài của Moscow, cũng như đang phối hợp với đồng minh tăng cường trừng phạt.

Lệnh cấm mới sẽ ngăn Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch bằng USD. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ giờ sẽ không thể thực hiện các giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia Liên bang Nga, và Bộ Tài chính Nga. Lệnh trừng phạt cũng cấm những công ty tài chính nước ngoài gửi USD vào các cơ quan, tổ chức này.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ có ngoại lệ với một số thanh toán liên quan đến năng lượng, nhằm giảm nguy cơ giá dầu và khí đốt tăng đột biến.

Các quan chức Mỹ cho biết lệnh trừng phạt mới sẽ đẩy nền kinh tế Nga lún sâu hơn nữa, là nỗ lực đáp trả việc Moscow tấn công Ukraine.

"Chiến lược của chúng tôi đơn giản là khiến kinh tế Nga thụt lùi, chừng nào Tổng thống Vladimir Putin còn tấn công Ukraine", quan chức chính quyền Biden cho biết.

Lệnh trừng phạt được Mỹ đưa ra hai ngày sau khi Washington và đồng minh đồng ý sẽ ngăn ông Putin tiếp cận 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga - được ví như hòm chiến tranh để ông Putin giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, theo Hill. Việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga sẽ ngăn nước này bán ngoại tệ và hỗ trợ đồng rúp, vốn đang giảm mạnh.

Vào cuối tuần trước, Mỹ và châu Âu tung ra các biện pháp trừng phạt hà khắc nhất để ngăn Nga tiếp cận tới hệ thống tài chính toàn cầu. Các đồng minh phương Tây cũng nhất trí trừng phạt một số ngân hàng của Nga, ngăn họ tiếp cận tới hệ thống SWIFT – một hệ thống quan trọng cho việc thanh toán toàn cầu.

SWIFT được thành lập năm 1973 nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11,000 tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Vũ Hạo (Theo CNBC)