Cuộc đại tu lớn của Goldman Sachs

Vietstock

Ngày đăng 17/10/2022 16:24

Cuộc đại tu lớn của Goldman Sachs

Vietstock - Cuộc đại tu lớn của Goldman Sachs (NYSE:GS)

Ngân hàng Goldman Sachs có kế hoạch phân bổ các mảng kinh doanh hàng đầu thành ba đơn vị, nhằm thực hiện một trong những cuộc cải tổ lớn nhất lịch sử của tổ chức này.

Theo các nguồn thạo tin, Goldman Sachs sẽ kết hợp mảng ngân hàng thương mại và đầu tư thành một đơn vị. Trong khi đó, mảng ngân hàng quản lý tài sản và tư vấn tài chính, bao gồm ngân hàng tiêu dùng Marcus, sẽ hợp nhất thành một đơn vị khác.

Đơn vị thứ ba sẽ bao gồm các ngân hàng giao dịch, danh mục nền tảng công nghệ tài chính, công ty fintech cung cấp các khoản vay trực tuyến GreenSky, cùng các đơn vị liên doanh với Apple Inc (NASDAQ:AAPL). và General Motors Co., nguồn tin cho biết thêm.

Cuộc cải tổ có thể được công bố trong vòng vài ngày tới, theo Reuters.

Một trong những cuộc cải tổ lớn nhất lịch sử

Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch thay đổi này sẽ tác động thế nào đến đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Goldman Sachs, song các nguồn tin dự đoán ít nhất một vài giám đốc điều hành sẽ có vai trò mới.

Trong đó, ông Marc Nachmann, đồng giám đốc bộ phận ngân hàng thương mại, sẽ chuyển sang hỗ trợ điều hành đơn vị kết hợp giữa quản lý tài sản và tư vấn tài chính.

Ngân hàng Goldman Sachs đang chuẩn bị cho một trong những "cuộc đại tu" lớn nhất lịch sử. Ảnh: Bloomberg.

Theo Wall Street Journal, "cuộc đại tu" lần này là bước đi mới nhất trong nỗ lực của Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon, nhằm chuyển trọng tâm hoạt động sang các lĩnh vực kinh doanh có khả năng tạo ra mức phí ổn định trong bất kỳ môi trường nào.

Nó cũng phản ánh cuộc đấu tranh của Goldman nhằm vượt qua sự hoài nghi về tham vọng của tổ chức này đối với mảng ngân hàng tiêu dùng, xuất phát từ các nhà đầu tư và thậm chí một số giám đốc điều hành.

Trong nhiều thập kỷ, sự nhạy bén trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã trở thành điểm thu hút của Goldman, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngân hàng này khi thị trường ưa chuộng những người chấp nhận rủi ro và các giao dịch táo bạo.

Sau cuộc cải tổ sắp tới, sơ đồ tổ chức của Goldman sẽ giống với các công ty cùng ngành hơn.

Trước đó, trong ngày hội nhà đầu tư năm 2020, Goldman đã cung cấp cái nhìn sơ lược về việc kết hợp mảng ngân hàng thương mại và đầu tư, so với mô hình của các đối thủ cùng ngành.

Tại Goldman, đơn vị hợp nhất này được tính toán có thể mang lại lợi nhuận 9,2% trên vốn chủ sở hữu vào năm 2019, vượt qua Morgan Stanley và Bank of America Corp (NYSE:BAC)., nhưng thấp hơn mức mà JPMorgan Chase & Co (NYSE:JPM). và Citigroup Inc. kiếm được trong cùng khoảng thời gian.

Trước đó, Bloomberg cũng từng đưa tin Goldman Sachs đã lên kế hoạch tái cấu trúc mảng ngân hàng tiêu dùng và đang xem xét kết hợp hoạt động quản lý tài sản với tư vấn tài chính.

Nỗ lực thay đổi

Cổ phiếu của Goldman đã phải chật vật để theo kịp các đối thủ trong thời gian qua. Tính đến tháng 6, cổ phiếu Goldman giao dịch ở mức 0,9 lần giá trị sổ sách, tương đối thấp so với Morgan Stanley (1,4 lần) và JPMorgan (1,3 lần), theo FactSet.

Vào tháng 7, Goldman Sachs cũng cho biết lợi nhuận quý hai giảm 47%, trong bối cảnh thị trường biến động làm giảm doanh thu mảng ngân hàng đầu tư trong toàn ngành.

Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon. Ảnh: New York Times.

Doanh thu ngân hàng đầu tư của Goldman giảm 41% so với một năm trước xuống còn 2,1 tỷ USD. JPMorgan Chase & Co., Morgan Stanley, Citigroup Inc. C và Bank of America Corp. thậm chí báo cáo mức giảm mạnh hơn.

Wall Street Journal nhận định năm 2022 đánh dấu một sự thoái trào đối với các ngân hàng Phố Wall. Môi trường tài chính hiện tại kém thân thiện hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, lãi suất tăng cao và những lo ngại đáng kể về địa chính trị khiến thị trường biến động. Chỉ số S&P 500 nửa đầu năm nay trải qua mức sụt giảm tồi tệ nhất sau hơn 50 năm.

Bất chấp những khó khăn này, Goldman Sachs đang tìm cách thu hẹp khoảng cách với đối thủ thông qua việc thúc đẩy các hoạt động mang lại lợi nhuận cao hơn.

Theo đó, dịch vụ quản lý tài chính cho những người giàu có, giám sát quỹ lương hưu và tài khoản của các tổ chức có “hầu bao khủng” mang lại nhiều lợi nhuận hơn các dịch vụ tài chính khác. Đồng thời, những hoạt động này cũng thường không kéo theo nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư coi hoạt động của các ngân hàng tiêu dùng truyền thống - nhận tiền gửi và cho vay - dễ dự đoán hơn.

Vì vậy, Goldman đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng ngân hàng tiêu dùng. Đồng thời, việc kết hợp mảng ngân hàng quản lý tài sản và tư vấn tài chính cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để cung cấp dịch vụ cho các cá nhân giàu có.

Đầu năm nay, Goldman Sachs cho biết họ đặt mục tiêu thu được 10 tỷ USD phí quản lý tài sản và tư vấn tài chính vào năm 2024.

Hải Linh