'Cỗ máy xuất khẩu' đối mặt nhiều thách thức

Vietstock

Ngày đăng 24/01/2022 15:45

'Cỗ máy xuất khẩu' đối mặt nhiều thách thức

Vietstock - 'Cỗ máy xuất khẩu' đối mặt nhiều thách thức

Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và căng thẳng chính trị, lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc đã bùng nổ trong năm 2021 và trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Tuy nhiên, “cỗ máy xuất khẩu” này được dự báo sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong năm 2022.

Cảng nước sâu Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Triển vọng tích cực trong ngắn hạn

Các số liệu vừa được hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, trong cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã tăng 29,9% so với năm 2020, đạt mức cao kỷ lục là 3.360 tỉ đô la Mỹ. Nhờ đó, thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới trong năm 2021 cũng đã tăng 29% so với năm 2021, đạt mức 67,64 tỉ đô la – mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1950.

Các căng thẳng chính trị với Mỹ và các đồng minh phương Tây, cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Minh chứng rõ nét là việc thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục 396,58 tỉ đô la trong năm vừa qua. Với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc cũng ghi nhận mức thặng dư thương mại tăng tới 57,4%.

Chuyên gia kinh tế Erin Xin tại HSBC dự báo, trong ngắn hạn, “cỗ máy xuất khẩu” Trung Quốc sẽ tiếp tục bùng nổ, do sự lan rộng trên toàn cầu của biến thể Omicron.

Còn theo ông Julian Evans Pritchard – chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trở lại tại nhiều quốc gia, sẽ khiến nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc tiếp tục được duy trì ở mức cao, đặc biệt là các lô hàng điện tử, vốn đã ghi nhận mức tăng rất cao trong tháng 12 là 18,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tại thị trường nước ngoài dần sụt giảm

Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh lại tỏ ra thận trọng khi thừa nhận rằng, tình trạng nhu cầu đơn hàng từ nước ngoài tăng vọt trong thời kỳ đại dịch sẽ không thể kéo dài mãi. Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu thô tăng cao, cước phí vận tải đường biển tăng phi mã và cả tình trạng tắc nghẽn cảng biển kéo dài trên khắp thế giới đang khiến hoạt động thương mại trở nên tốn kém và khó khăn hơn trước.

“Trong thời gian tới, thương mại sẽ phải đối mặt với sự bấp bênh, bất ổn và mất cân bằng ngày càng gia tăng. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với ba tầng áp lực, bao gồm sự thu hẹp về nhu cầu, cú sốc nguồn cung và triển vọng yếu hơn”, người phát ngôn cơ quan hải quan Trung Quốc Li Kuiwen cho biết trong cuộc họp báo hôm 14-1.

Chuyên gia Louis Kujis – trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics cũng nhìn nhận: “Với việc các đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn còn yếu và nhu cầu tại thị trường nước ngoài tăng trưởng chậm lại so với mức đỉnh hồi năm ngoái, chúng tôi tin rằng, đà tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong năm 2022”.

Lu Ting – chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura dự báo, tăng trưởng xuất khẩu thực tế của Trung Quốc sẽ gần bằng 0 trong năm nay. Bên cạnh yếu tố cơ sở so sánh cao của năm 2021, sự sụt giảm tự nhiên của nhu cầu hàng hóa lâu bền, hay sự dịch chuyển từ nhu cầu hàng hóa sang dịch vụ tại các thị trường nước ngoài – nơi đã chấp nhận sống chung với Covid-19, sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sự chững lại này.

Những thách thức từ dịch bệnh

Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc cũng là một thách thức lớn. Chuyên gia Evans Pritchard tại Capital Economics dự báo về sự chững lại của hoạt động xuất khẩu tại Trung Quốc trong năm nay, khi mà các cảng biển đã mở rộng hoạt động hết công suất, và những ca lây nhiễm mới vẫn đang tiếp tục xuất hiện tại những thành phố cảng hàng đầu của nước này như Đại Liên hay Thượng Hải.

Còn theo Bloomberg, biến thể Omicron và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt cũng đang làm gia tăng rủi ro đối với hoạt động sản xuất. Mặc dù cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa ghi nhận những thiệt hại trên diện rộng đối với sản lượng công nghiệp và thương mại, nhưng trên thực tế, đã có một số nhà máy ở Tây An và các nơi khác phải đóng cửa hoặc chậm trễ sản xuất vì dịch bệnh.

Frederic Neumann – đồng trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC cho biết: “Ngay cả Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, vốn được bảo vệ bởi những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, cũng không thể hoàn toàn ngăn cản được biến thể Omicron”. Theo chuyên gia này, biến thể Omicron có thể dẫn tới việc hàng loạt công nhân nhà máy bị ốm hoặc các biện pháp phong tỏa trên diện rộng, từ đó gây ra sự cố gián đoạn quy mô lớn đối với chuỗi cung ứng.

Lạc quan hơn, chuyên gia Louis Kuijs của Oxford Economics cho rằng, mặc dù các biện pháp hạn chế phòng dịch đã gây ra một số gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa tạo ra ảnh hưởng quá lớn đối với các nỗ lực duy trì sản xuất của chính phủ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng, dịch bệnh sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chậm hơn trong năm 2022.

Sự cạnh tranh từ các đối thủ khác

Một thách thức khác mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong năm 2022 là sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các đối thủ khác. Hôm 30-12-2021, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cho biết, nước này sẽ phải đối mặt với mức độ khó khăn chưa từng có trong việc ổn định ngoại thương trong năm 2022, khi các nhà xuất khẩu khác tăng cường sản xuất.

Theo Bloomberg, sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ giảm dần nếu những khu vực như Đông Nam Á có thể sớm hồi phục. Điều này sẽ cho phép các công ty đa quốc gia dịch chuyển đơn hàng quay trở lại các quốc gia này trong năm 2022, sau khi đã đổ dồn về Trung Quốc trong năm ngoái để tận dụng những lợi ích từ chính sách không Covid của Bắc Kinh.

Thậm chí, ngay cả khi các quốc gia này phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới, rất có khả năng Trung Quốc sẽ không thể giành được nhiều thị phần xuất khẩu từ các đối thủ cạnh tranh như trong các đợt bùng phát dịch trước đó. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley chỉ ra rằng, “chuỗi cung ứng của các nhà xuất khẩu khác tại châu Á có thể đã trở nên mạnh mẽ hơn, và có thể chống chọi tốt hơn với sự gián đoạn do biến thể Omicron gây ra”.

Vai trò của lĩnh vực xuất khẩu bị hạn chế

Với những thách thức kể trên, nhiều chuyên gia tin rằng, trong năm 2022 lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không còn đóng một vai trò quá quan trọng đối với nền kinh tế số 2 thế giới, như năm 2021.

Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc đã liên tục giảm trong thời gian qua, từ mức 28% hồi tháng 9 năm ngoái, xuống còn 20,9% trong tháng 12. Các khảo sát cũng cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới đối với nhiều loại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, chẳng hạn như thiết bị gia dụng và vật tư y tế đã bắt đầu giảm kể từ tháng 8.

Ngân hàng Standard Chartered dự đoán, thặng dư thương mại sẽ chỉ đóng góp 0,3 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng GDP 5,3% của kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Hồi năm ngoái, mức đóng góp này là 1,5 điểm phần trăm trên mức tăng trưởng GDP 8%.

Đây được coi là thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh đà phục hồi vẫn đang bị cản trở bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản hay các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm vào giới công nghệ.

Lạc Diệp