Chứng khoán Đức giảm 5%, Dow Jones tương lai sụt 800 điểm vì xung đột Nga-Ukraine

Vietstock

Ngày đăng 24/02/2022 20:58

Chứng khoán Đức giảm 5%, Dow Jones tương lai sụt 800 điểm vì xung đột Nga-Ukraine

Vietstock - Chứng khoán Đức giảm 5%, Dow Jones tương lai sụt 800 điểm vì xung đột Nga-Ukraine

Thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt lao dốc trong ngày 24/02 khi Nga khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine.

Trong ngày 24/02, Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động chiến dịch quân sự vào Ukraine và kéo theo đó, hàng loạt vụ nổ liên tục xảy ra ở thủ đô Kyiv của Ukraine, theo NBC News. Đối mặt với tình cảnh xung đột leo thang, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác lên án động thái của Nga, hứa sẽ đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt nước này.

Tính tới lúc 20h30 ngày 24/02, thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh, với chỉ số chuẩn Stoxx 600 sụt hơn 4.3% và xuống mức thấp nhất trong năm 2022. Chỉ số DAX của Đức sụt 5.48% và dẫn đầu đà giảm trong khu vực.

Sắc đỏ cũng bao trùm chứng khoán châu Á, dẫn đầu là đà giảm 3.2% của chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông. Trên Phố Wall, hợp đồng tương lai Dow Jones sụt 854 điểm, S&P 500 lao dốc 2.77% và Nasdaq 100 rớt 3.44%.

Trong khi đó, giá dầu vụt tăng hơn 8% và đẩy cả giá dầu Brent lẫn WTI vượt mốc 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014. Hợp đồng dầu Brent tương lai được giao dịch ở mức 105 USD/thùng. Giá khí thiên nhiên cũng leo dốc hơn 6%.

Đồng Rúp của Nga có lúc lao dốc hơn 10% so với USD, trước khi hồi phục trở lại sau thông tin NHTW Nga can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Sàn chứng khoán Moscow có lúc tạm ngưng giao dịch vào đầu ngày 24/02, khi chứng khoán Nga rơi không phanh 45%. Hiện tại, chỉ số MOEX Russia lao dốc 33% và RTS sụt gần 36%.

Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 năm và giao dịch trên mức 1,963 USD/oz, khi nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Hợp đồng lúa mì tương lai tăng lên cao nhất kể từ năm 2012 và hợp đồng đậu nành lập kỷ lục mới.

Bên cạnh xung đột Nga-Ukraine, giới đầu tư toàn cầu còn phải đối mặt với tình trạng thiếu cung dầu (vốn có khả năng khiến lạm phát tăng mạnh hơn), sự chững lại của tăng trưởng kinh tế và rủi ro NHTW toàn cầu gặp sai lầm về chính sách.

“Tình trạng biến động mạnh giữa lúc xung đột Nga-Ukraine leo thang cho thấy thị trường đã không phản ánh hết khả năng căng thẳng leo thang mạnh hơn”, Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại USB Global Wealth Management, cho hay. “Chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn khi các lãnh đạo công bố động thái ứng phó”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)