Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Trump

Vietstock

Ngày đăng 29/10/2020 15:00

Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Trump

Vietstock - Chủ nghĩa tư bản thân hữu của Trump

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của mình cách đây 4 năm, Donald Trump đã hứa sẽ thay đổi phương thức vận hành của nước Mỹ. Ông đã làm được điều đó: nước Mỹ ngày nay có hệ thống tư bản thân hữu mà người ta thường thấy ở các nước đang phát triển.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Anne O. Krueger

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Carolina. Nguồn: Reuters

Chính sách có lợi cho “những người bạn”

Đã 4 năm trôi qua nhưng việc trốn thuế, mắc nợ đầm đìa cũng như những hành vi tự ý thỏa thuận kinh doanh riêng và ưu ái lợi ích cho những thân hữu của Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng mới bị phơi bày. Dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ bắt đầu hình thành chủ nghĩa tư bản thân hữu, theo đó các nhà lãnh đạo chính trị gia tăng lợi ích và bảo vệ cho các doanh nghiệp để đổi lấy sự ủng hộ chính trị và các ưu đãi kinh tế.

Dưới những thỏa thuận như vậy, “những thân hữu” chính là “những người bạn” giúp đỡ và tài trợ cho các nhà thống trị chuyên quyền. Để đổi lấy các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử và các quỹ vận động hành lang, họ được trao vị thế độc quyền, ưu đãi thuế đặc biệt và được bảo vệ chống lại hàng nhập khẩu có giá cả cạnh tranh. Thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” trở thành một từ ngữ gây nhầm lẫn: mặc dù hoạt động kinh tế được tiến hành trong khu vực tư nhân nhưng lợi nhuận lại phụ thuộc vào các nhà cầm quyền chính trị chứ không phụ thuộc vào hiệu quả kinh tế hay sự hài lòng của khách hàng.

Một ví dụ điển hình về chủ nghĩa tư bản thân hữu đương thời có thể được tìm thấy ở Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nơi toàn bộ nền kinh tế hoạt động như một hệ thống hỗ trợ lẫn nhau cho các nhà tài phiệt giàu có và Điện Kremlin. Nhiều quốc gia khác cũng nằm trong phạm vi của chủ nghĩa tư bản thân hữu và khá xa lạ với các khái niệm như cạnh tranh, quyền sở hữu tư nhân và sân chơi bình đẳng.

Một “sân chơi bình đẳng” - nơi tất cả các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng với nhau dựa trên pháp luật - chính là điều mà các hệ thống tư bản thân hữu còn thiếu. Khi một doanh nghiệp kinh doanh thành công còn phải đóng góp một khoản đáng kể để “bôi trơn” cho các cơ quan chính phủ thì hiệu quả kinh tế tổng thể chắc chắn sẽ kém đi, ngay cả khi lợi nhuận được cải thiện. Đặc biệt ở các nước giàu tài nguyên thiên nhiên, có rất nhiều “cơ hội” để bòn rút của cải thông qua các thỏa thuận tư bản thân hữu. Trong những trường hợp này, tăng trưởng thường chậm hoặc không tăng trưởng nhưng hệ thống đó vẫn tồn tại vì những người cầm quyền có đủ khả năng mua được sự đồng tình của công chúng - hoặc ít nhất là lòng trung thành của các bộ phận quan trọng như quân đội, cảnh sát... Venezuela là một trường hợp điển hình.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu lên ngôi ở Mỹ

Kể từ khi Trump nổi lên với tư cách là ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa vào năm 2016, chủ nghĩa tư bản thân hữu đã mọc lên như nấm ở Mỹ. Ví dụ gần đây nhất là sự tham gia trực tiếp của cá nhân ông Trump vào cuộc chiến chống lại nền tảng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc. Sau khi xem xét các vấn đề về an ninh quốc gia, Trump tuyên bố sẽ cấm hoàn toàn hoạt động của TikTok tại Mỹ trừ khi mảng này được bán lại cho một công ty Mỹ. Trong vài tuần gần đây, Trump dường như ủng hộ cho nỗ lực mua lại TikTok của Microsoft (NASDAQ:MSFT) và cũng nói thêm rằng một phần tiền mua TikTok cần phải được nộp cho Bộ Tài chính Mỹ bởi cơ quan này đã giúp điều phối việc mua lại.

Gần đây hơn, Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận khác. Theo đó, Oracle và Walmart sẽ cùng nắm cổ phần tại TikTok Global (một thực thể mới được tạo ra theo thỏa thuận). Thông tin từ Bloomberg cho hay, Larry Ellison, người sáng lập kiêm chủ tịch của Oracle, đã quyên góp 250,000 USD cho “Siêu Ủy ban Hành động Chính trị” (Super–PAC) ủng hộ Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Nam Carolina - một trong những đồng minh thân cận nhất của Trump - vào cùng ngày Oracle xác nhận đã thắng thầu và trở thành đối tác công nghệ của TikTok tại Mỹ.

Tất nhiên, không có luật nào của Mỹ quy định số tiền thu được từ các vụ mua bán sáp nhập riêng lẻ phải được chuyển đến Kho bạc. Ban biên tập của tờ Washington Post đã chỉ ra: “Về bản chất, tổng thống đã tiến hành một chiến dịch tung hỏa mù, đe dọa trắng trợn và sau đó ban phát ân huệ cho một thỏa thuận kinh doanh tư nhân khi điều đó làm ông hài lòng.”

Để chứng minh TikTok không phải là một trường hợp cá biệt, tôi sẽ đưa thêm một ví dụ khác. Trong năm 2016 và 2017, Trump đã gây áp lực buộc Tập đoàn Ford (NYSE:F) phải hủy bỏ kế hoạch mở nhà máy sản xuất ô tô ở Mexico. Tờ Economist mô tả những lời đe dọa của Trump đối với Ford là một "sự ô nhục tuyệt đối", trong khi tờ Washington Post cho rằng: "Điểm nhất quán duy nhất là Tổng thống muốn thế giới biết rằng ông ấy có thể trừng phạt các công ty theo ý thích của mình".

Trump cũng gây áp lực buộc hãng sản xuất máy điều hòa không khí Carrier không chuyển nhà máy sang Mexico. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những lời đe dọa của Trump đã thất bại, ngay cả khi ông tiếp tục tuyên bố công nhận vì đã “cứu” hàng trăm công việc của người lao động Mỹ. Tương tự, vào năm 2017, Trump khoe rằng ông đã thuyết phục FoxConn đầu tư 10 tỷ đô la vào Wisconsin và tạo ra hàng nghìn việc làm để đổi lấy việc giảm thuế. Những công việc này vẫn chưa thành hiện thực và FoxConn gần đây đã thông báo rằng kế hoạch của họ đã thay đổi. Và gần đây hơn, Trump đã cảnh cáo công ty mô tô nổi tiếng của Mỹ Harley-Davidson vì quyết định chuyển sản xuất ra nước ngoài để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Nguồn: Atlas Logistics Network

Ông ta đã tự gọi mình là "Trump thuế" và thuế quan thực sự là một công cụ hữu hiệu để răn đe và khen thưởng các doanh nghiệp. Thuế suất thép của Mỹ là một trường hợp điển hình. Khi chính quyền Trump áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu vào năm 2018, nó cũng mở ra một chương trình cho các công ty tư nhân xin miễn trừ. Giống như các chuyên gia đã dự đoán, chính quyền đã có sự ưu ái đặc biệt cho một số công ty. Theo tờ Washington Post: “Cuộc chiến tranh thương mại của Trump đã đưa các doanh nghiệp lớn đến với K Street”. Khi chính quyền Trump mở rộng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, họ cũng đồng thời chọn người thắng và người thua trong quá trình cạnh tranh không lành mạnh này.

(*) K Street là thuật ngữ chỉ giới vận động hành lang ở Mỹ.

Hầu hết người Mỹ lo ngại về ảnh hưởng của tiền bạc lên hệ thống chính trị nhưng thật đáng ngạc nhiên là nhiều người vẫn không biết đến sự nguy hiểm của hình thức tham nhũng này. Nền kinh tế Mỹ từ trước đến nay là một trong những nền kinh tế năng suất nhất thế giới bởi vì nó cung cấp một sân chơi bình đẳng. Nhưng dưới sự cai trị của Trump, chủ nghĩa tư bản thân hữu đã bén rễ và bây giờ sẽ cần phải bị loại bỏ. Nếu không, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục khó khăn trong khi kẻ gian đang trục lợi cho bản thân.

Giới thiệu về tác giả Anne O. Krueger

Anne O. Krueger là cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và cựu Phó giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Bà cũng đồng thời là Giáo sư Nghiên cứu Cao cấp về Kinh tế Quốc tế tại Đại học Johns Hopkins và là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Stanford.

Nguồn: Đại học Minnesota

Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)