Bloomberg: Tín hiệu chẳng lành từ động thái hạ lãi suất của NHTW Trung Quốc?

Vietstock

Ngày đăng 15/08/2022 16:44

Bloomberg: Tín hiệu chẳng lành từ động thái hạ lãi suất của NHTW Trung Quốc?

Vietstock - Bloomberg: Tín hiệu chẳng lành từ động thái hạ lãi suất của NHTW Trung Quốc?

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, dù rằng mối nguy lạm phát đang gia tăng. Điều này phát đi thông điệp rằng NHTW đang phải ưu tiên đà hồi phục kinh tế hơn là kiểm soát giá cả.

Lạm phát tăng có thể đáng ngại, nhưng giờ mức độ ưu tiên chỉ đứng thứ hai, ít nhất là tại thời điểm này. Bắc Kinh chắc hẳn cho rằng triển vọng kinh tế khá tàn khốc.

PBoC hạ nhẹ lãi suất chủ chốt 10 điểm cơ bản trong ngày 15/08, một bước đi bất ngờ cho hầu hết chuyên gia kinh tế. Mức độ giảm lãi suất tuy nhẹ, nhưng đáng ngại vì NHTW Trung Quốc gần đây tỏ ra kém “bồ câu” hơn nhiều (tức bớt ủng hộ cho phương án giữ nguyên hoặc giảm lãi suất).

Chỉ mới vài ngày trước đó, các quan chức dường như còn tỏ ra không ủng hộ giảm lãi suất vì nguy cơ lạm phát đang gia tăng (dù vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu).

Tháng 7, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh trong tháng trước giữa bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng và nhu cầu từ doanh nghiệp, người tiêu dùng khá ảm đạm. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ thấp hơn kỳ vọng, trong khi đầu tư suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục, tiệm cần mốc 20%. Dữ liệu ảm đạm khiến mục tiêu tăng trưởng 5.5% của đất nước tỷ dân trông có vẻ xa vời.

Tác giả bài viết Daniel Moss nhận định rằng PBoC cần phải truyền tải thông điệp tốt hơn. “Đây là yêu cầu cơ bản đối với cơ quan tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”, ông nói.

Báo cáo chính sách tiền tệ quý của PBoC – công bố vào ngày 10/08 – vừa cam kết không kích thích và bơm tiền quá trớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) leo dốc 2.7% trong tháng 7/2022, là mức đỉnh 2 năm. Lạm phát có thể vượt 3% trong năm nay, theo dự báo của PBoC. “Chúng ta không thể hạ lá chắn quá dễ dàng”, trích từ báo cáo của PBoC. Vậy mà giờ họ lại hạ lãi suất.

Trên thực tế, PBoC có thể cố gắng kìm hãm kỳ vọng sẽ có gói kích thích quy mô lớn, nhưng họ rõ ràng có cái khó của riêng họ. Không giống như các nền kinh tế lớn khác, NHTW Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều từ Chính phủ. Hơn nữa, nền kinh tế có khả năng cần thêm hỗ trợ từ chính sách tiền tệ. Các đợt bùng phát dịch bệnh liên tục cùng với chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ kìm hãm nền kinh tế.

Trung Quốc góp phần vào sự suy yế của kinh tế thế giới và sau đó, sự ảm đạm của kinh tế thế giới cũng tác động tiêu cực tới đất nước tỷ dân. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong tháng trước và cảnh báo về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu, Trung Quốc là nền kinh tế bị hạ dự báo mạnh nhất.

Trong vài thập kỷ qua, thế giới đã quen với câu chuyện kinh tế Trung Quốc kéo tăng trưởng trong khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hạ nhiệt. Điều này không còn đúng trong tình huống hiện tại. Sự thụt lùi của các nền kinh tế lớn cũng kéo giảm nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc, qua đó càng khiến kinh tế thêm khó khăn.

“Đừng nghĩ rằng PBoC đã xong mọi chuyện. Hãy tiếp tục theo sát đường đi nước bước cũng như những thông điệp của NHTW Trung Quốc”, tác giả bài viết Daniel Moss nhận định.

* Bài viết thể hiện quan điểm của ông Daniel Moss trên Bloomberg Opinion.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)