ADB: Chiến tranh thương mại đe dọa tới tăng trưởng của châu Á

Vietstock

Ngày đăng 19/07/2018 14:15

ADB: Chiến tranh thương mại đe dọa tới tăng trưởng của châu Á

Vietstock - ADB: Chiến tranh thương mại đe dọa tới tăng trưởng của châu Á

Triển vọng tăng trưởng của châu Á có thể bị tác động nếu cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trong báo cáo mới.

Trong báo cáo Bổ sung Triển vọng Phát triển châu Á, ADB giữ nguyên dự báo trước đó đối với các nước đang phát triển châu Á ở mức 6% trong năm nay và 5.9% trong năm 2019, đồng thời cho biết phần lớn các quốc gia trong khu vực này đang chuẩn bị đạt được kỳ vọng đề ra. Các nước đang phát triển châu Á bao gồm 45 quốc gia trong số 67 nền kinh tế thành viên của ADB, trong đó cũng có một số quốc gia ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải)

Dự báo hiện nay của ADB đã tính tới các hàng rào thuế quan được áp đặt trước ngày 15/07, nhưng việc xuất hiện thêm các động thái mới có thể gây tổn thương tới khu vực châu Á, ADB cho biết. Vào ngày 06/07, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đáp trả lại bằng hàng rào thuế quan có quy mô tương tự.

“Rủi to xuất hiện thêm các biện pháp bảo hộ thương mại có thể phá hoại niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp và do đó cũng tác động tới triển vọng tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển”, ADB cho hay.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất trong khu vực châu Á – vẫn được dự báo tăng trưởng ở mức 6.6% trong năm 2018 và 6.4% vào năm tới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tăng trưởng 6.8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ chi tiêu tiêu dùng và khoản đầu tư mạnh trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, rủi ro từ cuộc xung đột thương mại và mâu thuẫn về hoạt động đầu tư với Mỹ có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của quốc gia này trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018, trích từ báo cáo của ADB.

Theo dự báo, Ấn Độ có thể tăng trưởng 7.3% trong năm nay và 7.6% vào năm 2019, khi các cuộc cải cách trong hệ thống ngân hàng có khả năng thúc đẩy đầu tư tư nhân và các tác động tích cực từ hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh lại tao ra rủi ro suy giảm đối với tăng trưởng của Ấn Độ, ADB cho hay.

Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á vẫn là 5.2% trong cả năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, Indonesia được điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng xuống 5.2%, thấp hơn mức 5.3% trong dự báo tháng 4/2018, khi tăng trưởng xuất khẩu được cho là sẽ vẫn ở mức vừa phải.

ADB nâng dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan từ mức 4%lên 4.2% trong năm 2018, khi tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu đều mở rộng.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)