Thị trường chứng khoán Việt Nam bị nhận định thiếu tích cực, nhiều chuyên gia lên tiếng

Vietstock

Ngày đăng 28/05/2018 11:24

Thị trường chứng khoán Việt Nam bị nhận định thiếu tích cực, nhiều chuyên gia lên tiếng

Vietstock - Thị trường chứng khoán Việt Nam bị nhận định thiếu tích cực, nhiều chuyên gia lên tiếng

Ngay khi Bloomberg đưa ra nhận định MSCI có thể giữ Việt Nam trong danh sách các thị trường cận biên với 2 nguyên nhân chính là sự thiếu rõ ràng của thị trường và mức độ chi phối của một vài mã lớn, ông Lê Hải Trà và ông Nguyễn Duy Hưng đã bày tỏ quan điểm khá chi tiết về vấn đề này.

* Bloomberg: Vì sao MSCI vẫn giữ Việt Nam ở thị trường cận biên?

Sắp tới HOSE sẽ tiếp tục xuất hiện các chỉ số khác nữa

Bloomberg dẫn giải rằng, chỉ cần động thái của một vài công ty cũng có thể làm chao đảo cả thị trường chung, đơn cử như việc 5 công ty lớn hiện nay đóng góp tới hơn 40% của chỉ số VN-Index.

"Với việc một vài công ty có khả năng làm chao đảo cả thị trường như thế này, thì TTCK Việt Nam không phải là nơi dành cho các nhà đầu tư giá trị" - Bloomberg nhận định.

Trước thông tin trên, ông Lê Hải Trà - phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có phản hồi trên trang cá nhân rằng VN-Index là chỉ số đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, tính theo giá trị vốn hóa của tất cả cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Đây là một trong những phương pháp tính chỉ số phổ biến nhất trên thế giới.

Ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị HOSE

Ông Trà cũng chỉ ra mặt hạn chế của chỉ số này, đó là cổ phiếu có vốn hóa càng lớn càng tác động nhiều đến VN-Index. Chẳng hạn như, bộ 3 VIC, VRE, VHM hiện có tổng giá trị vốn hóa chiếm gần 23% VN-Index.

Tuy nhiên, ông Trà cho rằng không cần thay đổi cách tính chỉ số này vì đây chỉ là 1 loại chỉ số, có giá trị lịch sử và nghiên cứu học thuật.

Để khắc phục vấn đề này, Sở đã xây dựng các loại chỉ số khác để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Chẳng hạn như, để phục vụ cho mục đích phát triển các sản phẩm đầu tư mới, VN30 ra đời - được tính theo giá trị vốn hóa nhưng có điều chỉnh tỷ lệ chuyển nhượng tự do (freefloat) và hạn chế tỷ trọng (capping). “Quay lại ví dụ trên, VRE hiện có vốn hóa khoảng 81,000 tỷ đồng. Sắp tới khi vào VN30, vốn hóa điều chỉnh chỉ còn khoảng 33,000 tỷ”, ông Trà dẫn chứng. Ông cũng phân trần rằng đây là lý do mà ETF hay hợp đồng tương lai được phát triển dựa trên VN30 chứ không phải VN-Index.

Ngoài VN30, còn có các chỉ số khác như VN100, VNAllshares, VNMidcap, VNSmallcap, 10 chỉ số ngành, chỉ số phát triển bền vững, được tính toán theo thông lệ quốc tế có bản quyền. “Và sắp tới sẽ còn tiếp tục xuất hiện các chỉ số khác nữa”, ông Trà khẳng định.

Nhà đầu tư cá nhân lướt sóng có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh

Cũng “đăng đàn” trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCK SSI cho hay, VN-Index tăng phần lớn do việc tăng giá của những cổ phiếu lớn, nhưng khi các mã cổ phiếu lớn giảm kéo theo chỉ số này giảm thì đa số các cổ phiếu khác cũng giảm theo. Đây là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những cổ phiếu này.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của SSI.

Tuy vậy, với cơ cấu tính chỉ số này đã chỉ ra nhiều hạn chế, và không riêng gì VN-Index, các chỉ số khác cũng có những bất cập nhất định. Do đó, khó lòng thỏa mãn toàn bộ yêu cầu của các nhà đầu tư khác nhau trên thị trường. Ông Hưng nhận định, đây thực sự là khó khăn cho các quỹ đầu tư chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, ông Hưng cho rằng các nhà đầu tư cá nhân với trường phái đầu tư lướt sóng dựa vào dự đoán tăng giảm của thị trường, vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các cổ phiếu lớn có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh. Ngoài ra, khi đầu tư vào cổ phiếu bên cạnh việc dự đoán xu hướng tăng giảm của thị trường và của cổ phiếu thì cái quan trọng nhất với nhà đầu tư vẫn phải là nghiên cứu về công ty, về tình hình tài chính, về ban lãnh đạo, về lịch sử phát triển... “Đừng chỉ đầu tư hay tháo chạy bởi những tin đồn ông A kéo lên, bà B đáng xuống, hay quỹ ngoại này mua, quỹ lớn kia chạy... Đây là đầu tư chứng khoán chứ không phải là chơi chứng khoán”, ông Hưng chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho biết khi đi huy động quỹ đầu tư, nếu công ty quản lý quỹ đưa ra được phương án đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận từ 15 đến 20%/năm thì có rất nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ tiền vào quỹ. Thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều chứng khoán đáp ứng các yêu cầu của đầu tư giá trị có thể mang lại lợi nhuận cao hơn mức kỳ vọng trên đây.

Chí Kiên