Quy hoạch sân bay Hà Giang, Ninh Bình khó khả thi

Vietstock

Ngày đăng 23/02/2021 11:26

Quy hoạch sân bay Hà Giang, Ninh Bình khó khả thi

Vietstock - Quy hoạch sân bay Hà Giang, Ninh Bình khó khả thi

Một số chuyên gia hàng không đánh giá nhu cầu hành khách tại tỉnh Hà Giang, Ninh Bình không cao và địa hình xây sân bay không thuận lợi.

* Đại đa số sân bay đang lỗ, vì sao hàng loạt tỉnh muốn xây thêm?

Góp ý vào dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, UBND tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hà Giang đề xuất quy hoạch và xây dựng sân bay trên địa bàn. Theo đó, sân bay Ninh Bình dự kiến đặt tại huyện Kim Sơn hoặc Yên Khánh, còn sân bay Hà Giang đặt tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.

Nhận xét về đề xuất trên, chuyên gia hàng không Nguyễn Bách Tùng cho rằng Ninh Bình có lượng khách du lịch tăng cao những năm gần đây song nhu cầu đi lại của người dân địa phương không lớn. Trong khi đó, quy hoạch sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cát Bi (Hải Phòng) đã tính công suất phục vụ hành khách tại các địa phương lân cận như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam.

Về đường bộ, ông Tùng cho rằng, người dân từ TP Ninh Bình đến sân bay Tiên Lãng (Hải Phòng) - nơi sau này có thể thay thế Cát Bi và đến Thọ Xuân (Thanh Hóa) gần 100 km, với các tuyến cao tốc hiện có và tương lai thì thời gian di chuyển không dài. Ngoài ra, sau năm 2030, vùng thủ đô Hà Nội có thêm sân bay ở phía nam sẽ cách Ninh Bình 60-80 km nên quy hoạch thêm sân bay ở Ninh Bình là chưa hợp lý. Ninh Bình là vùng hoạt động của các máy bay đến Nội Bài từ các tỉnh phía nam nên có thể gây xung đột nếu xây dựng sân bay ở đây.

Tương tự với Hà Giang, ông Nguyễn Bách Tùng cho rằng tỉnh này có đông khách du lịch theo mùa, song nhu cầu đi lại của người dân địa phương không cao. Hà Giang cũng không có diện tích đất rộng hàng trăm ha bằng phẳng để xây sân bay.

Tuy nhiên, tỉnh Hà Giang hiện chỉ có đường bộ độc đạo nên có thể xem xét yếu tố đảm bảo an ninh, quốc phòng trong quy hoạch sân bay. "Đường bộ từ Hà Giang tới các sân bay ở Lào Cai hay Cao Bằng khó khăn, nên khó phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, vấn đề này cần được lưu tâm", ông Tùng nói.

Đồng quan điểm, PGS (HN:PGS).TS Trần Thiện Tống cho rằng hành khách có nhu cầu đi máy bay tại Ninh Bình không nhiều và đã có các lựa chọn như đến sân bay Thọ Xuân hay Nội Bài vì các đường bay quốc tế và nội địa đã ổn định. Nếu đầu tư sân bay Ninh Bình thì sẽ lỗ vì vắng khách, các hãng hàng không không mặn mà mở đường bay đến các sân bay nhỏ.

Tương tự như Hà Giang, ông Tống cho rằng nếu sân bay chỉ phục vụ cho dân địa phương thì đầu tư sẽ lỗ. Trong khi đó, chi phí xây dựng rất lớn, sẽ lãng phí và không hiệu quả. "Sân bay nhỏ công suất 500.000 hành khách mỗi năm thì không đủ chi phí đầu tư mới, vận hành", ông Tống nói.

Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.

PGS.TS Trần Thiện Tống đề xuất, vùng miền núi chỉ nên đầu tư một sân bay lớn là nơi trung chuyển và xây sân bay nhỏ (có thể tận dụng sân bay quân sự hiện có) với đường băng dài dưới 1.000 m để khai thác máy bay loại nhỏ 20 chỗ phục vụ người dân đi lại, khách du lịch. Việc này tránh lãng phí đất và vốn xây dựng, trong khi nhu cầu hành khách tại các tỉnh miền núi phía bắc không cao.

Một chuyên gia hàng không khác cũng đánh giá nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước đến Ninh Bình và Hà Giang lớn, song khách thường đến thăm nhiều nơi chứ không chỉ du lịch một tỉnh. Ví dụ khách du lịch đến Lào Cai rồi đi các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc. Do đó, tính lượng khách đến Hà Giang là căn cứ xây sân bay là thiếu chính xác và mục đích xây để phục vụ du lịch là chưa đủ.

Từng tham gia nghiên cứu quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc, ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho hay trước đây từng đề xuất nghiên cứu sân bay nhỏ ở Hà Giang vì có các tiêu chí đáp ứng du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, quy hoạch sân bay còn cần nhiều tiêu chí khác như GDP của tỉnh, thu nhập đầu người, định hướng phát triển kinh tế, giao thông...

Theo ông Châu, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì số sân bay dân dụng của Việt Nam chưa nhiều. Việc các tỉnh mong muốn có sân bay để phát triển kinh tế xã hội, du lịch địa phương là chính đáng. Tuy nhiên, việc xây mới cần tính toán nhiều tiêu chí kinh tế xã hội, địa hình trong tổng thể mạng lưới cảng hàng không toàn quốc và theo hình thức xã hóa nên càng phải tính toán kỹ lưỡng.

"Một tỉnh có thể có 3 sân bay nếu chứng minh được chúng thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương hay phục vụ đặc khu kinh tế ", ông Châu nói.

Hiện nay, cả nước có 22 sân bay. Riêng miền Bắc và Bắc Trung Bộ có 8 sân bay gồm 4 quốc tế là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh và 4 quốc nội Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Phú Bài.

Theo dự thảo cuối kỳ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu, sân bay Sa Pa (Lào Cai) quy hoạch xây dựng mới trước 2030; sân bay Lai Châu, Nà Sản (Sơn La), Cao Bằng và sân bay thứ hai của vùng thủ đô Hà Nội được xây dựng sau 2030.

Dự thảo đang được lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương, sau đó hội đồng thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát, đánh giá trước khi trình Chính phủ.

Đoàn Loan