Phân bổ vốn ODA: Đừng vì “chậm” mà "mất điểm” trong mắt nhà đầu tư

Vietstock

Ngày đăng 22/10/2017 11:10

Phân bổ vốn ODA: Đừng vì “chậm” mà "mất điểm” trong mắt nhà đầu tư

Vietstock - Phân bổ vốn ODA: Đừng vì “chậm” mà "mất điểm” trong mắt nhà đầu tư

Chia sẻ trước những lo ngại của JICA về tình hình phân bổ vốn cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9,TP.HCM), chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, sự việc này khiến chúng ta bị mất rất “nhiều điểm” trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Ông Long cũng cho rằng, câu chuyện “chậm vốn” là biến tướng của nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Ông đánh giá thế nào trước thông tin JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) bày tỏ lo ngại về tình hình phân bổ vốn cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành (Q.1) - Suối Tiên (Q.9,TP.HCM)?

Việc ách tắc này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Ngay trong quá trình xây dựng các đề án, dự án đa phần đều bị đội vốn lên rất lớn, trong khi theo lý giải của các chủ đầu tư là chưa có kinh nghiệm. Qua đây, dưới mắt các nhà đầu tư nước ngoài, người ta cho rằng năng lực quản lý các dự án của chúng ta vẫn còn rất hạn chế và yếu kém.

Từ đây sẽ ảnh hưởng về mối quan hệ lâu dài giữa hai nước cũng như các tổ chức tài chính khác. Do đó cần phải nâng cao năng lực quản lý của những người xây dựng dự án.

Theo JICA, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số tiền chưa thanh toán khoảng 4 tỷ yên (tương đương 812 tỷ đồng). Câu chuyện nợ nần này sẽ dẫn đến điều gì, thưa ông?

Do chúng ta làm việc không bài bản, thiếu khoa học và kế hoạch chi tiết thì đương nhiên dẫn đến nợ đọng. Bài học lớn nhất là tính toán dự án không hợp lý dẫn đến nợ đọng trong xây dựng. Đây là bài học “rất cũ” mà mãi không rút ra được kinh nghiệm, do đó Luật Đầu tư công mới đã chấm dứt câu chuyện nợ đọng này.

Đây là biến tướng của nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Nếu để xảy ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn đó, vì trong quá trình làm không có kế hoạch và không có khả năng thanh toán sẽ dẫn đến dự án bị “đắp chiếu”. Điều này sẽ làm hạn chế hiệu quả và mất lòng tin đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng như gây ra nhiều hệ lụy khác.

Tuy nhiên, việc chậm thanh toán là do chủ trương siết chặt đầu tư công nhằm giảm thâm hụt cũng như đảm bảo sự cân bằng ngân sách, thưa ông?

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công tháng 8/2012. Ảnh: Internet

Việc chậm thanh toán vốn đầu tư công phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu dự án. Còn trong Luật Đầu tư công đã quy định rất cụ thể và rõ ràng. Từ việc phải siết lại vốn đầu tư công đưa đến 2 điều để chúng ta nhìn nhận. Thứ nhất, có thể do năng lực xây dựng các văn bản pháp quy trước đây chưa phù hợp với thực tế. Thứ hai, xem xét lại đội ngũ thực thi triển khai các dự án đầu tư.

Theo ông, từ những bất cập như vậy thì liệu có làm giảm động cơ của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hay không?

Chắc chắn việc này sẽ tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài. Với các nhà đầu tư nước ngoài, họ lấy đầu tư để sinh ra lợi nhuận, khi đã ký kết với họ rồi mà không thực hiện theo đúng tiến độ giải ngân thì sẽ bị mất rất “nhiều điểm” trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự có ý nghĩa với những nhà đầu tư có uy tín, chân chính và nghiêm túc.

Tôi chỉ “ái ngại” chúng ta tự đánh mất hình ảnh với nguồn vốn Nhật, vì ODA của Nhật Bản là một trong những nguồn tương đối quan trọng và lớn đối với Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt