Nhịp đập Thị trường 26/02: GAS giảm sâu, VN-Index rớt trở lại

Vietstock

Ngày đăng 26/02/2020 12:30

Nhịp đập Thị trường 26/02: GAS giảm sâu, VN-Index rớt trở lại

Vietstock - Nhịp đập Thị trường 26/02: GAS (HM:GAS) giảm sâu, VN-Index rớt trở lại

VN-Index kết phiên sáng giảm 1.1%, đạt mức 899.63 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.07 điểm và đạt mức 106.73 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 204 mã tăng và 294 mã giảm. Thanh khoản trong phiên sáng có phần suy yếu khi trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt gần 74 triệu cổ phiếu.

Rổ VN30 có 21 mã giảm, 3 mã tăng và 6 mã đứng giá, trong đó VPB (HM:VPB) và FPT (HM:FPT) là bộ đôi dẫn đầu về chiều tăng với sắc xanh hơn 1%, song chỉ có thanh khoản ở FPT có dấu hiệu đột phá. STB (HM:STB), PNJ (HM:PNJ), TCB (HM:TCB) cũng xanh song chỉ tiến nhẹ trên tham chiếu. Song ở chiều giảm, BID (HM:BID), ROS (HM:ROS), GAS là những gương mặt mất hơn 2% giá trị và bất ngờ nhất chính là GAS, khi mã bắt đầu bị đạp giá kể từ 10h45. Theo góc nhìn kỹ thuật thì vùng 78,000-77,000 đồng sẽ là hỗ trợ mạnh của giá.

Xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì GAS, BID, VHM (HM:VHM) là những tác nhân chính khiến chỉ số giảm sâu khi lấy gần 4 điểm của chỉ số này, trong khi ở chiều tăng chỉ có lực đỡ yếu ớt từ VPB và FPT. Còn ở sàn HNX, HNX-Index giằng co dưới ảnh hưởng từ sắc xanh cận trần của SHB (HN:SHB) và sắc đỏ hơn 1% của ACB (HN:ACB).

Đa số các ngành trên thị trường đều sụt giảm, điển hình như bất động sản khu công nghiệp, chứng khoán, thép, dệt may,… và điểm đáng chú ý là thanh khoản ở các nhóm không mấy nổi trội cho thấy lực cầu đã suy yếu, đồng thời đẩy khả năng kịch bản giằng co xuất hiện trong những phiên tới tăng lên. Nhóm công nghệ thông tin, cao su là hai nhóm xanh nổi bật ở phiên sáng nay.

Sau thông tin bà Trần Uyên Phương chi gần 300 tỷ đồng mua cổ phần YEG (HM:YEG), cổ phiếu đã tăng kịch trần sau phiên ATO và trong tình trạng dư mua hơn 100 ngàn đơn vị. Khối ngoại bán ròng gần 90 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 2 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu VNM (HM:VNM), HPG (HM:HPG), VCB (HM:VCB) trên sàn HOSE. SHB, APS là các mã bị bán ròng mạnh tại sàn HNX.

10h30: Nhóm Large Cap dần hồi phục

Lực cầu được đẩy mạnh trên nhóm Large Cap đã giúp thị trường có một nhịp hồi nhẹ, trong đó HNX-Index đã giành lại tham chiếu và VN-Index chỉ còn giảm gần 8 điểm.

Tải ứng dụng
Tham gia cùng hàng triệu người dùng để luôn nắm bắt thông tin thị trường tài chính toàn cầu với Investing.com.
Tải Xuống Ngay

Diễn biến thị trường có phần khả quan hơn dù các chỉ số thị trường thế giới DJI tiếp tục có phiên giảm mạnh hơn 800 điểm, cụ thể là rổ VN30 có 19 mã giảm, 8 mã tăng và 3 mã đứng giá, trong đó biên độ chủ yếu tại nhóm đều dưới 2%, ngoại trừ ROS mất 2.6% giá trị. Điều này thể hiện dù bị ảnh hưởng sâu sắc đến từ dịch bệnh, song tâm lý nhà đầu tư vẫn được giữ vững và sẵn sàng đánh cược mua vào khi giá rơi về các nền hỗ trợ cứng; qua đó mô tả nên bức tranh không quá bi quan trên thị trường Việt Nam.

Với sự bùng phát ở dịch bệnh trên khắp thế giới, ngành hàng không dự kiến sẽ còn chịu tác động nặng nề khi không chỉ ở Trung Quốc, nhu cầu du lịch tới các nước vừa bùng phát dịch như Hàn Quốc, Italy,.. cũng sẽ sụt giảm theo. Song diễn biến nhóm này trong phiên sáng nay không bi quan khi chủ yếu hiện sắc đỏ nhẹ, với HVN (HN:HVN), VJC (HM:VJC) mất gần 2%, SGN (HM:SGN) gần 4% và ACV (HN:ACV) bất ngờ xanh gần 3%.

Nhóm cao su bất ngờ xanh xao với GVR, PHR (HM:PHR) tiến hơn 2%, dù thanh khoản không thể hiện sự đột phá. PHR gần đây đã có tin vui khi nhận được quyết định của UBND tỉnh Bình Dương thu hồi 346 ha đất để thực hiện dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. Kể từ khi tạo đáy vào đầu tháng 2/2020, mã đã bật tăng hơn 40% và phát tín hiệu kỹ thuật đầy tích cực.

SHB hiện là điểm nhấn chính tại nhóm ngân hàng với sắc xanh gần 7% và đạt dư mua vượt trội dư bán, đồng thời thanh khoản có sự đột biến với hơn 14 triệu cổ phiếu đã được khớp. Theo góc nhìn kỹ thuật thì nhiều khả năng điểm dừng của đà tăng mới sẽ ở quanh mốc 9,000 đồng. LPB (HN:LPB), VPB, TCB và STB cũng là những gương mặt hiện sắc xanh song chỉ là sắc xanh nhẹ, trong khi số mã giảm đạt đến 11 mã và tới 6 mã mất hơn 1% thị giá.

Mở cửa: VN-Index sụt hơn 10 điểm đầu phiên

Sau phiên hồi hôm qua, các chỉ số thị trường trở lại rớt mạnh từ đầu phiên khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 dần lan rộng khắp thế giới và đi đến đỉnh điểm.

Độ rộng thị trường tính tới 9h30 đang nghiêng về bên bán với 105 mã tăng và 206 mã giảm điểm. Số cổ phiểu trong rổ VN30 đang nghiêng về sắc đỏ với 26 mã giảm, 3 mã tăng và 1 mã đứng giá.

VIC (HM:VIC), VNM và BID đang là những mã có tác động tiêu cực và mang lại sắc đỏ cho thị trường. Ở chiều ngược lại, DMC, EIB (HM:EIB) và YEG hiện là những mã xuất hiện sắc xanh nhưng không thể kìm hãm đà giảm sâu của chỉ số.

Sau phiên ATO, sắc đỏ đang chiếm ưu thế trong trong nhóm ngân hàng. Cụ thể, TCB, ACB, lao dốc gần 2.5%, theo sau đó là mức sụt giảm mạnh gần 2% của BID, MBB (HM:MBB) và VPB. Ở phía sắc xanh, SHB đang là ngôi sao sáng của nhóm khi bật tăng gần 3%, EIB nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.

Hòa chung với diễn biến của ngành ngân hàng, diễn biến của nhóm bất động sản dân dụng cũng khá tiêu cực. HDG (HM:HDG) lao dốc khá sâu ở mức gần 4.5%, NDN (HN:NDN), HDC và CCL cũng không khá khẩm hơn khi sụt giảm quanh mốc 3.5%. Hiện VRE (HM:VRE) đang là điểm nhấn của ngành này khi xuất hiện sắc xanh và nhảy vọt 1%.

Diễn biến của nhóm dầu khí cũng không mấy khởi sắc khi thông tin giá dầu sụt giảm mạnh xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tuần. Có thể kể tên, PVD (HM:PVD), PVS (HN:PVS) và POW (HM:POW) cùng nhau sụt giảm mạnh hơn 2.5%, PLX (HM:PLX) lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.

Sản xuất thiết bị, máy móc là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 3.36%. Ngược lại, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 2.64%.

Lý Hỏa