Nhịp đập Thị trường 25/12: VN-Index giằng co, HNX-Index nhận tin vui vào cuối phiên

Vietstock

Ngày đăng 25/12/2019 15:25

Nhịp đập Thị trường 25/12: VN-Index giằng co, HNX-Index nhận tin vui vào cuối phiên

Vietstock - Nhịp đập Thị trường 25/12: VN-Index giằng co, HNX-Index nhận tin vui vào cuối phiên

Phiên chiều cuối cùng cũng chỉ quẩn quanh chữ giằng co khi VN-Index liên tục dao động ở vùng 958-961 điểm, với lý do chính cũng đến từ sự phân hóa ở nhóm Large Cap, dù diễn biến nhóm Mid Cap có phần tích cực. Chỉ số sàn HNX cũng tương tự, song lại bất ngờ bật tăng sau phien ATC và kết phiên trong sắc xanh.

Chỉ số VN-Index kết phiên tăng 2.04 điểm và đạt 960.92 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.48 điểm và đạt 102.93 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 305 mã tăng và 262 mã giảm.

Rổ VN30 phân hóa với 11 mã tăng, 13 mã giảm và 6 mã đứng giá, song sắc xanh xuất hiện trên VN30-Index cũng vì biên độ của bên tăng vượt trội so với bên giảm. Trong khi chỉ có ROS (HM:ROS), BVH (HM:BVH) rớt hơn 1% thì tới 7 mã tiến hơn 1%, 3 mã trong đó tăng hơn 2% là MSN (HM:MSN), MWG (HM:MWG) và CTD (HM:CTD). Sắc xanh trên CTD đã thu hẹp về cuối phiên, song mã thuộc ngành xây dựng khác là HBC (HM:HBC) thì vẫn giữ sắc tím.

Nếu xét về mức độ ảnh hưởng tới VN-Index thì MSN, BID (HM:BID), MWG và GAS (HM:GAS) là những trụ chính giúp củng cố sắc xanh của chỉ số. Đối trọng với những mã này là VNM (HM:VNM), VHM (HM:VHM), BVH và VCB (HM:VCB).

Đa số các nhóm ngành trên thị trường đi từ phân hóa tới tích cực chứ số ngành bị sắc đỏ xâm chiếm rất ích. Xây dựng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin là những nhóm có diễn biến lạc quan với điểm nhấn nằm ở các mã như HBC, CTD, BCE, DPG (nhóm xây dựng); FPT (HM:FPT), ITD, TTN (nhóm công nghệ thông tin); ITA (HM:ITA), IDC (nhóm bất động sản khu công nghiệp).

Cơn sóng penny có phần lụi tàn dần trong phiên hôm nay khi lần lượt các mã như AMD, TTB, HAR, HAI, HQC,... đều rơi vào tình trạng nằm sàn và trống bên mua, đồng thời hầu hết đều bị khối ngoại bán ròng. Các mã đã tăng nóng trong thời gian qua như TNA, VRC cũng trong hoàn cảnh tương tự và có dấu hiệu trở lại với nhịp điều chỉnh.

Lực cầu vượt trội trong phiên ATC đã giúp HNX-Index bứt phá lên trên mốc tham chiếu, với công lớn đến từ các mã ACB (HN:ACB), IDC, HHC và VNR.

Bán lẻ hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 1.44%. Ngược lại, sản xuất thiết bị, máy móc là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 0.8%.

Tải ứng dụng
Tham gia cùng hàng triệu người dùng để luôn nắm bắt thông tin thị trường tài chính toàn cầu với Investing.com.
Tải Xuống Ngay

Khối ngoại bán ròng gần 12 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 12 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu VIC, SAB (HM:SAB), VHM trên sàn HOSE. SED là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX với giá trị hơn 12 tỷ đồng.

14h: Nhóm xây dựng bứt phá

Lực cầu vẫn giữ vững phong độ trong phiên chiều và giúp nhiều cổ phiếu có bứt phá, đặc biệt là ở cổ phiếu nhóm xây dựng.

Độ rộng thị trường tính tới 14h00 đang nghiêng về bên bán với 255 mã tăng và 262 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang khá cân bằng khi cả rổ có 14 mã tăng, 13 mã giảm và 2 mã đứng giá.

GAS, MSN và VCB đang là những trụ chính của thị trường giúp mang lại sắc xanh cho VN-Index. Ở chiều giảm điểm, VIC, VNM và POW (HM:POW) là những mã chính tác động tiêu cực và kìm hãm đà tăng của chỉ số.

Sắc xanh đang chiếm ưu thế trong nhóm bất động sản dân dụng. Cụ thể là HDC bứt phá với mức tăng trần, DIG (HM:DIG), CEO (HN:CEO) và NDN (HN:NDN) có mức tăng trong khoảng 1% đến gần 2%, NLG (HM:NLG) nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Ở phía bên kia chiến tuyến, bộ ba nhà Vingroup (HM:VIC) đồng thuận xuất hiện sắc đỏ và giảm quanh mốc 0.5%. Theo góc nhìn kỹ thuật, HDC đã bứt phá khỏi cận trên của kênh đi ngang là vùng 23,000-24,000 bằng cây nến White Opening Marubozu cùng với khối lượng lớn (phiên breakout hoàn hảo) nên triển vọng của HDC trở nên lạc quan hơn.

Cùng chiều với diễn biến của ngành bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp có diễn biến khá tích cực. Có thể kể đến như SNZ bứt phá 5.9%, TIP, D2D và ITA có mức tăng lần lượt là 1.4%, 2.2%, 2.6%. Ở chiều ngược lại, NTC cùng với KBC (HM:KBC) lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.

Diễn biến của nhóm dầu khí không mấy lạc quan bất chấp thông tin giá dầu tăng mạnh. PVD (HM:PVD) tăng gần 0.5% và GAS tăng gần 1%. Ngược lại, POW lại giảm hơn 1%, PLX (HM:PLX) lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu.

HBC đã khoác sắc tím và đang trong tình trạng trống bên bán với hơn 370 ngàn cổ phiếu được đặt ở giá trần. Với tình trạng này thì đà tăng ở mã sẽ duy trì trong ít nhất 1 phiên nữa. Trong khi đó, CTD cũng đã tăng cận trần. Xây dựng hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 1.44%. Ngược lại, thiết bị điện hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 1.26%.

Phiên sáng: Tiếp tục dừng lại trước mốc 960 điểm

Nhịp giằng co đã kết thúc trên VN-Index, song bên mua cũng chỉ có thể đưa chỉ số đến vùng 960-970 điểm trước khi bị thu hẹp dưới áp lực bán mạnh tại vùng này. Trong khi đó, HNX-Index loay hoay dưới tham chiếu trong suốt phiên sáng.

Chỉ số VN-Index kết phiên sáng tăng 0.96 điểm và đạt 959.84 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0.17 điểm và đạt 102.28 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 245 mã tăng và 235 mã giảm.

Càng về cuối phiên sáng, tình hình rổ VN30 càng phấn khởi với 18 mã tăng, 7 mã giảm và 5 mã đứng giá. Trong đó, hơn 5 mã xuất hiện sắc xanh vượt 1% là CTD, MSN, MWG, PNJ (HM:PNJ) và FPT. CTD tiếp tục dẫn đầu rổ với mức nhảy vọt gần 6% và theo góc nhìn kỹ thuật, mã đã tạo mẫu hình nến đảo chiều, qua đó hàm ý về khả năng giá có hồi phục trong những phiên kế tiếp.

Diễn biến nhóm xây dựng đầy khả quan khi sắc xanh chiếm hữu nhóm này, đặc biệt là sắc xanh toàn là sắc xanh “đậm”, với TDC, HBC, CTD, BCE, C69 bứt phá hơn 4%. Tương tự như CTD, HBC cũng là một mã đáng chú ý khi theo góc nhìn kỹ thuật, hàng loạt tín hiệu báo nhịp giảm trước đó đã kết thúc đều đã xuất hiện.

Nhóm cao su cũng ngập tràn sắc xanh hơn 2%, điển hình là DPR (HM:DPR), GVR, HRC (HM:HRC). PHR (HM:PHR) nhảy vọt gần 5% sau khi đã mất hơn 20% chỉ với 3 phiên sụt giảm liên tiếp. Nhiều khả năng giá chỉ đang trong nhịp hồi kỹ thuật bởi thanh khoản hiện tại của mã có phần èo ụt so với 3 phiên gần nhất.

Nhóm ngân hàng cũng có diễn biến tích cực với chỉ 4 mã giảm và 8 mã tăng, tuy nhiên đóng góp của nhóm này không mấy to lớn bởi biên độ các mã chỉ quanh mốc 1%, chỉ có VIB là tăng hơn 2%, NVB (HN:NVB), VBB và EIB (HM:EIB) rớt từ 2% trở lên.

Công nghệ thông tin hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường ở mức 1.52%. Ngược lại, thiết bị điện hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường ở mức 1.02%.

Khối ngoại mua ròng hơn 8 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng 13 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu MSN, BID trên sàn HOSE. SED là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX với giá trị hơn 12 tỷ đồng.

10h40: Large Cap phân hóa, thị trường liên tục giằng co

Các chỉ số thị trường tiếp tục giằng co trong bối cảnh nhóm Large Cap có sự phân hóa.

Độ rộng thị trường tới 10h30 đang nghiêng về bên mua với 228 mã tăng và 199 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang khá cân bằng khi cả rổ có 15 mã tăng, 12 mã giảm và 3 mã đứng giá.

MSN tiếp tục tăng điểm trong phiên sáng nay và hiện đứng thứ nhì rổ VN30 về mức tăng, với sắc xanh gần 2% và được khối ngoại mua ròng mạnh. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói xu hướng giảm đã kết thúc ở cổ phiếu, và ta có thể xem đây là nhịp tăng trong 1 xu hướng giảm. Thanh khoản ở mã không thể hiện mấy sự phấn khích của nhà đầu tư cho thấy nhịp tăng này không mấy bền vững. CTD cũng vọt gần 5% cùng thanh khoản thấp.

Phiên sáng nay cũng chứng kiến sự trở lại của sắc xanh trên các mã nhóm Mid Cap như AAA (HM:AAA), FRT (HM:FRT), PHR, HBC… trong bối cảnh các mã đã; liên tục sụt giảm ở những phiên trước. Song tương tự như MSN, sắc xanh này chắc hẳn đến từ tâm lý bắt đáy ở nhà đầu tư.

Sau phiên hiện sắc tím hôm qua, SCR (HM:SCR) tiếp tục tăng gần 4% song lực cầu có phần suy yếu khi giá đã tiến gần kháng cự là đỉnh cũ tháng 09/2019. Đà tăng lần này chắc hẳn đến từ thông tin TTC Land chuyển nhượng 20% vốn Khu công nghiệp Thành Thành Công.

Dù Large Cap đang phân hóa, dòng cổ phiếu mang hướng đầu cơ cũng có phần hạ nhiệt khi chỉ có DLG là mà bứt phá kèm thanh khoản ấn tượng, trong khi DAH nằm sàn, TTB, AMD dao động quanh tham chiếu, HAI, TGG, HQC nằm sàn.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.47%. Ngược lại, tài chính khác hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 1.2%.

9h30: Diễn biến trái chiều

Sau phiên ATO, VN-Index và HNX-Index có sự trái chiều khi chỉ số sàn HOSE thì xanh, trong khi sàn HNX thì lại đỏ.

Độ rộng thị trường tính tới 9h30 đang nghiêng về bên mua với 150 mã tăng và 114 mã giảm điểm. Số mã tăng, giảm trong rổ VN30 đang khá cân bằng khi cả rổ có 10 mã tăng, 12 mã giảm và 8 mã đứng giá.

VIC, BID và VHM là những mã có tác động tiêu cực và mang lại sắc đỏ cho thị trường. Ở phía bên kia chiến tuyến, PLX, VNM và VPB (HM:VPB) là những mã xuất hiện sắc xanh và kìm hãm đà giảm của chỉ số.

Sau phiên ATO, sắc đỏ đang dần lan tỏa ở nhóm ngân hàng. Cụ thể, EIB giảm gần 2.5%, BID, HDB (HM:HDB) và TPB đồng thuận giảm quanh mốc 0.5%. Ở chiều ngược lại, VPB và STB (HM:STB) là 2 mã cổ phiếu hiện đang xuất hiện sắc xanh và tăng lần lượt là 1.3% và 0.5%.

Nhóm bất động sản dân dụng đang có sự phân hóa. HDG (HM:HDG) và CEO tăng vọt hơn 1%, NDN và NVL (HM:NVL) thì nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Ở phía bên kia chiến tuyến, bộ ba nhà Vingroup là VIC, VHM và VRE (HM:VRE) cùng nhau giảm quanh mốc 0.5%, CCL giảm hơn 1%.

Tài chính khác hiện là ngành tăng mạnh nhất thị trường khi tăng 1.03%. Ngược lại, bán buôn  hiện là ngành giảm mạnh nhất thị trường khi giảm 0.62%.

Lý Hỏa