Liên quan tới vụ Vạn Thịnh Phát và SCB, 5 cán bộ thanh tra NHNN bị khởi tố

nguoiquansat.vn

Ngày đăng 28/03/2023 16:46

Liên quan tới vụ Vạn Thịnh Phát và SCB, 5 cán bộ thanh tra NHNN bị khởi tố

Trước đó, ngày 8/10/2022, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị khởi tốt, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định sau khi làm việc với SCB, các bị can thuộc đoàn thanh tra liên ngành đã báo cáo không trung thực với Ngân hàng Nhà nước.

Chiều 28/3, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về tình hình, kết quả các mặt công tác công an quý 1/2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của báo giới về tiến độ điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế cho biết trong tháng 3, đơn vị đã khởi tố 5 bị can thuộc Đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Thành, trưởng đoàn kiểm tra là bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy các bị can đã tiến hành thanh tra nhưng khi báo cáo Ngân hàng Nhà nước lại nói rằng SCB không vi phạm. Điều này dẫn đến công tác kiểm soát, xử lý đối với Ngân hàng SCB không kịp thời.

C03 đánh giá đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng. Các bị can bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ.

Trước đó, hồi cuối năm 2022,Bộ Công an cho biết Cơ quan CSĐT đang điều tra mở rộng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Ngày 8/10/2022, cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3 bị can khác là Trương Huệ Vân Tổng Giám đốc Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Vạn Thịnh Phát. Theo Bộ Công an, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can đảm bảo yếu tố thượng tôn pháp luật, nhằm đảm bảo thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính - ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, đúng với cơ chế thị trường và phát triển kinh tế xã hội.