Lật lại lịch sử chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng nào chăm chỉ phá kỷ lục giá nhất?

Vietstock

Ngày đăng 04/03/2024 13:02

Lật lại lịch sử chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng nào chăm chỉ phá kỷ lục giá nhất?

Vietstock - Lật lại lịch sử chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng nào chăm chỉ phá kỷ lục giá nhất?

Số lần phá kỷ lục giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2024 đã vượt qua cả năm 2023. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có thể tranh thủ nhìn lại thống kê về những lần phá kỷ lục giá của cổ phiếu ngân hàng trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau 4 tháng tăng liên tục được dẫn dắt đà tăng nhờ sóng cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư đã được chứng kiến nhiều cổ phiếu liên tục phá kỷ lục giá đóng cửa. Tổng cộng đã ghi nhận 36 lần kỷ lục giá đóng cửa cũ bị phá vỡ kể từ đầu năm 2024.

Nếu so sánh với cả năm 2023 (31 lần), số lần phá kỷ lục giá của nhóm ngân hàng trong vòng chưa đến 3 tháng đầu năm 2024 đã được vượt qua.

Tất nhiên, sức mạnh giá của các cổ phiếu ngân hàng cũng không hoàn toàn đồng đều nhưng so với năm 2023, số lượng cổ phiếu phá kỷ lục đã nhiều hơn một mã. Cụ thể, có 5/27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên 3 sàn đóng góp vào 36 lần phá đỉnh, đó là NAB (10 lần), ACB (HM:ACB) (10 lần) kế đến là BID (HM:BID) (9 lần), HDB (HM:HDB) (5 lần) và VCB (HM:VCB) (1 lần), MBB (HM:MBB) (1 lần).

Còn trong năm 2023, có 4 cổ phiếu ngân hàng xuất hiện việc phá kỷ lục giá đóng cửa trong đó VCB (15 lần) là cổ phiếu vượt trội nhất kế đến là SSB (9 lần), NAB (6 lần), BID (1 lần).

Tính chung cho giai đoạn năm 2023 và đầu năm 2024, NAB cùng VCB là 2 cổ phiếu có nhiều lần phá kỷ lục giá đóng cửa nhất (16 lần) nhưng 2 cổ phiếu này cũng có chuyển động giá khá khác nhau.

Cụ thể, NAB đã vào sóng tăng giá từ cuối năm 2022 và đã tăng tới 131% trong năm 2023, mức tăng mạnh nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Từ đầu năm 2024, NAB chỉ tăng thêm 6.7% nhưng là đủ để cổ phiếu chinh phục các đỉnh cao mới.

Đồ thị giá cổ phiếu NAB theo tháng.

Hiện NAB đã dừng giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 28/02 và sẽ chính thức giao dịch trên HOSE kể từ ngày 08/03 với mức giá tham chiếu là 15,900 đồng/cổ phiếu.

Với VCB, vai trò của của cổ phiếu dẫn dắt thị trường cũng như cả sóng ngành lại được khẳng định sau khi cổ phiếu nỗ lực trở lại nhịp tăng giá vào giai đoạn cuối năm 2023. Phiên giao dịch phá đỉnh đầu tiên của VCB của năm 2024 mới chỉ xuất hiện trong tuần vừa qua sau khi có thông tin sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 38.79%/vốn điều lệ.

Cũng theo thống kê, VCB chính là 1 trong 2 cổ phiếu ngân hàng có nhiều lần phá kỷ lục giá nhất trong lịch sử thị trường. Tổng cộng, VCB đã có 123 lần phá kỷ lục giá kể từ khi niêm yết trên HOSE vào tháng 06/2009.

Trong khi đó, cổ phiếu đứng đầu về số lần phá kỷ lục giá trong lịch sử thị trường chứng khoán lại là MBB dù niêm yết sau VCB gần 2 năm.

Đồ thị giá cổ phiếu MBB theo tháng

Cho đến nay, MBB đã có tổng cộng 146 lần phá kỷ lục giá đóng cửa. Dù trong năm 2024, MBB mới chỉ có một lần đóng cửa ở mức giá kỷ lục nhưng trong các năm 2017 và 2021, MBB đã có tới 80 lần để lại dấu ấn.

Theo đánh giá của ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, một số cổ phiếu ngân hàng đang tăng quá nhanh.

Vì thế, có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh ở nhóm này và dòng vốn sẽ phải tìm kiếm các nhóm cổ phiếu khác để luân chuyển, và sự bứt phá của một số nhóm cổ phiếu như thép, cảng biển, chứng khoán trong giai đoạn vừa qua là tín hiệu ban đầu cho sự luân chuyển.

Quân Mai