Lai lịch liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu lớn thứ hai sân bay Long Thành giai đoạn 1

Vietstock

Ngày đăng 04/08/2023 17:33

Lai lịch liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu lớn thứ hai sân bay Long Thành giai đoạn 1

Vietstock - Lai lịch liên danh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu lớn thứ hai sân bay Long Thành giai đoạn 1

ACV (HN:ACV) công bố liên danh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 4.6, gói thầu lớn thứ hai, trong dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đại diện bên mời thầu dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) ngày 03/08 công bố liên danh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 4.6.

Liên danh được ACV gọi tên gồm 6 doanh nghiệp: Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC; Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn; Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HOSE: VCG (HM:VCG)); CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam; CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G); và CTCP Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

ACV đề nghị đại diện liên danh trên tham dự buổi mở hồ sơ đề xuất tài chính vào sáng ngày 07/08/2023.

Sân bay Long Thành được xem là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14.9 tỷ USD. Gói thầu 4.6 “Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay (ga hàng hóa, hangar, cách ly) và các công trình khác” thuộc dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án “Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1”.

Giá trị gói thầu 4.6 là hơn 8.1 ngàn tỷ đồng, lớn thứ hai sau gói thầu 5.10 trị giá hơn 35.2 ngàn tỷ đồng thi công nhà ga hành khách sân bay.

Lai lịch các thành viên trong liên danh

Tổng Công ty Xây dựng Công trình Hàng không ACC thành lập vào năm 1990, thuộc Quân chủng phòng không - không quân là doanh nghiệp Kinh tế - Quốc phòng, có nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các công trình quốc phòng, công trình hàng không, giao thông vận tải, công trình công nghiệp, dân dụng…

Đây là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ sản xuất và thi công bê tông nhựa nóng polime đáp ứng cho khai thác các loại máy bay hiện đại có tải trọng lớn và các công trình giao thông đặc biệt. Công ty đã thi công tại một số cảng hàng không quốc tế ở Việt Nam như Phú Quốc, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cát Bi và một số công trình quan trọng khác.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thành lập vào đầu năm 1989 trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12. Tổng công ty đã thi công và bàn giao hàng ngàn công trình hạ tầng trên khắp cả nước. Riêng về sân bay, Tổng Công ty đã góp mặt tại một số dự án như sân bay Điện Biên, sân bay Vinh, sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Savannakhet (Lào),…

VCG là một cái tên quen thuộc khi nhắc đến các gói thầu sân bay Long Thành, doanh nghiệp này nằm trong Vietur – liên danh được ACV công bố đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách” cũng nằm trong dự án thành phần 3 thuộc đại dự án sân bay Long Thành.

* Gói thầu 5.10 sân bay Long Thành: Liên danh Vietur của ông lớn Thổ Nhĩ Kỳ có "hồ sơ năng lực" khủng cỡ nào?

* Ngày 04/08, Liên danh VIETUR sẽ mở hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu 5.10 sân bay Long Thành

Bên cạnh VCG, liên danh còn ghi nhận sự góp mặt của một doanh nghiệp trên sàn khác là C4G. Công ty được thành lập năm 1962 với tiền thân là Cục công trình I - Bộ Giao thông vận tải. Hoạt động kinh doanh chính là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, thủy lợi. Dự án nổi bật nhất mà Công ty đang thực hiện là Gói thầu số 2-XL thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây với tổng mức đầu tư 1,911 tỷ đồng.

CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam (Vinadic) thành năm 2001, chuyên thực hiện dự án đường giao thông, san lấp hạ tầng, thủy lợi và các công trình xây dựng dân dụng. Được biết, Vinadic có kinh nghiệm triển khai nhiều gói thầu nâng cấp, cải tạo sân bay như dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay quân sự tỉnh Lai Châu, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Điện Biên,…

Cuối cùng là CTCP Xây dựng Công trình Hàng không Sáu Bốn Bảy thành lập năm 2007, hiện có vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Đây là đơn vị khoan cọc nhồi, móng cọc đầu tiên để xây dựng cầu dẫn vào nhà ga mới của cảng hàng không Liên Khương, Đà Lạt. Bên cạnh đó, Công ty đã từng liên doanh với Tổng Công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC để xây dựng sân đỗ máy bay mới tại cảng hàng không Cần Thơ.

Hà Lễ