Chứng khoán Tuần 12-15/04/2022: Tuần giao dịch ảm đạm

Vietstock

Ngày đăng 15/04/2022 18:05

Chứng khoán Tuần 12-15/04/2022: Tuần giao dịch ảm đạm

Vietstock - Chứng khoán Tuần 12-15/04/2022: Tuần giao dịch ảm đạm

VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch ảm đạm. Chỉ số giảm hơn 23 điểm và test lại đường trendline ngắn hạn. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của cũng có sự sụt giảm đáng kể.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 12-15/04/2022

Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm 13.56 điểm, kết phiên ở mức 1,458.56 điểm; HNX-Index giảm 6.98 điểm, xuống mức 416.71 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 23.44 điểm (-1.58%); HNX-Index giảm 15.31 điểm (-3.54%).

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE gần 608 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 20.35% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 75 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 17.18% so với tuần giao dịch trước.

Ngày 12/4/2022, Bộ Lao động Mỹ công bố CPI tháng 3 của Mỹ tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 8.4% từ Dow Jones. Nếu không tính đến thực phẩm và năng lượng, CPI tháng 3 tăng như kỳ vọng 6.5%, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982. Số liệu trên phản ánh đà tăng chưa từng thấy của giá hàng hóa tại Mỹ kể từ giai đoạn lạm phát đình đốn cuối thập niên 70 và đầu thập niên 1980. Bên cạnh đó, thông tin Chính phủ Sri Lanka thông báo vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang chờ gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến tiêu cực trong tuần qua. Trở lại giao dịch vào Thứ ba (12/04/2022) sau kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, VN-Index tụt dốc mạnh gần 27 điểm, dưới áp lực bán trên diện rộng ở nhiều ngành, đặc biệt là các nhóm ngành quan trọng của thị trường như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Chỉ số có sự hồi phục ở phiên sau đó, trước khi giảm điểm trở lại ở hai phiên cuối tuần. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm hơn 23 điểm, dừng chân ở mức 1,458.56 điểm.

Xét theo mức độ đóng góp, VHM (HM:VHM), VCB (HM:VCB), BID (HM:BID) và TCB (HM:TCB) là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất khi lấy gần 14 điểm của VN-Index. Ở chiều ngược lại, GAS (HM:GAS), MWG (HM:MWG), FPT (HM:FPT) và DGC (HM:DGC) là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất.

Ngành ngân hàng tiếp tục có tuần giao dịch giảm điểm. Nhiều cổ phiếu lớn đều sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, VCB tụt dốc 3.37%, TCB giảm mạnh 6.65%, BID lùi hơn 6.21%, MBB (HM:MBB) sụt 5.42%, CTG (HM:CTG) giảm 3.28%...

Trong khi đó, ngành bảo hiểm lại có phiên cuối tuần bứt phá mạnh và kết thúc tuần giao dịch ở mức tăng 4.84%. Trong đó, BVH (HM:BVH) tăng 5.2%, MIG (HM:MIG) tiến tốt ở mức 8.61%, BIC (HM:BIC) leo dốc 5.97%, PVI (HN:PVI) tăng 3.67%...

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1,149 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng hơn 1,099 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 49 tỷ đồng trên sàn HNX.

Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là CMX (HM:CMX)

CMX tăng 16.43%: Cổ phiếu CMX có tuần giao dịch tích cực và tiến tốt hơn 16%. Cùng với đó, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng duy trì ở mức cao, cho thấy dòng tiền vẫn đang ủng hộ cho đà tăng này.

Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là PTL và PXI

PTL giảm 20.72%: HOSE cho biết, căn cứ BCTC kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán, CTCP Victory Capital (HOSE: PTL) sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Với thông tin trên, giá cổ phiếu PTL liên tục sụt giảm mạnh trong tuần.

PXI giảm 24.84%: CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (HOSE: PXI) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 với khoản lỗ ròng hơn 30 tỷ đồng qua đó nâng tổng lỗ lũy kế lên gần 124 tỷ đồng. Như vậy, PXI sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ 3 năm liên tiếp. Trên thị trường, giá cổ phiếu PXI cùng có tuần giao dịch ảm đạm khi giảm gần 25%, xuống còn 5,050 đồng/cp.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock