Chủ khu nghỉ dưỡng cho giới thượng lưu Thung lũng Thanh Xuân huy động gần 600 tỷ từ trái phiếu

Vietstock

Ngày đăng 18/10/2023 14:40

Chủ khu nghỉ dưỡng cho giới thượng lưu Thung lũng Thanh Xuân huy động gần 600 tỷ từ trái phiếu

Vietstock - Chủ khu nghỉ dưỡng cho giới thượng lưu Thung lũng Thanh Xuân huy động gần 600 tỷ từ trái phiếu

Công ty Thanh Xuân phát hành thành công gần 600 tỷ đồng từ kênh trái phiếu có kỳ hạn 2,502 ngày (hơn 83 tháng).

Theo thông báo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Thanh Xuân đã phát hành thành công lô trái phiếu TXCCH2330001 giá trị 583.5 tỷ đồng, kỳ hạn 2,502 ngày (hơn 83 tháng) với lãi suất 10.57%/năm. Đợt phát hành hoàn tất vào ngày 05/10/2023 và đáo hạn ngày 15/07/2030, đối tượng chào bán là tổ chức chuyên nghiệp.

Lô trái phiếu sẽ được Công ty mua lại thành nhiều đợt vào các ngày thanh toán tiền lãi trái phiếu căn cứ vào tỷ lệ giá trị. Bên cạnh đó, Công ty Thanh Xuân có quyền mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ trái phiếu bằng thông báo trước ít nhất 30 ngày cho trái chủ và tuân thủ theo quy định bằng văn bản giữa các bên.

Tỷ lệ mua lại theo đừng đợt thanh toán trái phiếu của Công ty Thanh Xuân
Nguồn: HNX

CTCP Thanh Xuân là ai?

Công ty Thanh Xuân được biết đến là chủ đầu tư dự án Thung lũng Thanh Xuân tại Vĩnh Phúc, do CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) làm đơn vị phát triển. Dự án có tổng diện tích đất 170 ha. Cả Thanh Xuân và BIM Land đều là công ty con của BIM Group - một tập đoàn đa ngành tại Việt Nam.

Trước đó ngày 19/09, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, đã cam kết đầu tư 3,500 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD) qua kênh trái phiếu. Trong đó, IFC đăng ký mua trái phiếu lên tới 2,333 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD) của BIM Land và 1,167 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD) do CTCP Thanh Xuân phát hành.

Khoản đầu tư tài chính này sẽ được sử dụng để phát triển dự án Thung lũng Thanh Xuân ở tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm một cộng đồng dân cư độc đáo và thân thiện với môi trường cùng với tổ hợp khách sạn dưới thương hiệu InterContinental cùng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan khác.

Khoản tài trợ của IFC cũng sẽ giúp chủ đầu tư triển khai các giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại hai khách sạn của BIM Land (InterContinental và Regent) tại Phú Quốc. IFC cũng đã hỗ trợ BIM Land xây dựng khung tài chính liên kết bền vững với những mục tiêu hoạt động bền vững được thiết kế phù hợp với chiến lược phát triển của công ty.

Phối cảnh dự án Thung lũng Thanh Xuân tại Vĩnh Phúc, mục tiêu trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhiều tiện ích cho giới thượng lưu.

CTCP Thanh Xuân thành lập vào ngày 17/04/2023, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, bà Đoàn Thị Xuân Thanh làm đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc.

Tính đến tháng 04/2015, công ty có vốn điều lệ 120 tỷ đồng với 7 cổ đông. Trong đó, ba cổ đông sở hữu tới 92.5% là bà Thanh (43.5%), ông Trần Hoài Bắc (39%) và bà Trần Hương Giang (10%); cả ba đều có chung địa chỉ thường trú tại số 8, làng kiến trúc phong cảnh, ngõ 47, phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Hồ Tây, Hà Nội.

Tương tự, cùng chung địa chỉ thường trú, hai cổ đông là ông Đoàn Quốc Hùng và Đoàn Thu Hà mỗi người đều sở hữu 2.5%. Hai cổ đông còn lại là ông Đoàn Minh Hằng và ông Nguyễn Văn Phong sở hữu lần lượt 1.5% và 1%.

Tháng 08/2018, công ty tăng vốn lên 150 tỷ đồng, ông Phong thoái sạch vốn, còn lại 6 cổ đông. Tháng 03/2021, bà Đoàn Thị Thanh Mai thay thế bà Thanh chức vụ trên. Công ty tiếp tục tăng vốn lên 1,210 tỷ đồng vào tháng 02/2022, cơ cấu cổ đông không được công bố. Tháng 10/2022, ông Đoàn Quốc Huy giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.

Còn CTCP Bất động sản BIM, thành lập năm 2011 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư BIM (BIM Holdings), do ông Đoàn Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT BIM Group) làm Chủ tịch và ông Đoàn Quốc Huy (Phó Tổng giám đốc BIM Group) làm Tổng Giám đốc, vốn điều lệ 3,000 tỷ đồng.

*BIM Land lãi hơn 810 tỷ nửa đầu năm, mới huy động thêm 2,330 tỷ từ trái phiếu

*Công ty thành viên Bim Group muốn lấy 12 ha rừng đặc dụng làm dự án nghỉ dưỡng

Thanh Tú