Xuất khẩu đồ điện tử bùng nổ

Vietstock

Ngày đăng 08/02/2021 15:30

Xuất khẩu đồ điện tử bùng nổ

Vietstock - Xuất khẩu đồ điện tử bùng nổ

Xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đã và đang bùng nổ nhờ dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ khá ổn định, theo HSBC.

Số liệu tổng hợp của HSBC tại Báo cáo "Vietnam at a glance - Sự quan tâm các mặt hàng công nghệ không bị gián đoạn" vừa cho biết, năm 2020, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam đạt kỷ lục 96 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu. Một thập niên trước, vào năm 2000, kim ngạch chỉ đạt chưa đến một tỷ USD, chiếm 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Phần lớn thành công trong lĩnh vực công nghệ nhờ vào nguồn vốn FDI nhiều năm của Samsung, bắt đầu từ cuối những năm 2000. Với vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD đến nay, tập đoàn này hiện có 6 nhà máy tại Việt Nam.

Trong khi Trung Quốc vẫn thống trị xuất khẩu điện thoại toàn cầu, thì thị phần của Việt Nam đang tăng dần. Chỉ riêng trong tháng 1/2021, xuất khẩu điện thoại của Việt Nam đã tăng 50,5% so với cùng kỳ, một phần nhờ vào động lực là mẫu Galaxy S21 mới ra mắt gần đây.

Nhân viên làm việc bên trong nhà máy Samsung ở Bắc Ninh vào năm 2028. Ảnh: Samsung.

Việt Nam cũng nổi lên như một nhà cung cấp chip ngày càng đáng kể. Trong khi Trung Quốc sản xuất 70% máy tính trên toàn cầu, thì sản lượng máy tính thành phẩm của Việt Nam cũng tăng, đã hỗ trợ cho nhu cầu chip.

Intel đã đầu tư một tỷ USD vào một cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chip tại Việt Nam từ năm 2006. Gần đây, Intel rót thêm 475 triệu USD để sản xuất các sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi của mình.

Việc mở rộng này lý giải tại sao xuất khẩu bộ vi xử lý của Việt Nam tăng gấp ba lần thị phần trong năm 2019. "Đáng chú ý, sự thành công của Samsung và Intel đã kéo theo những gã khổng lồ công nghệ khác, chẳng hạn như Google (NASDAQ:GOOGL) và LG, chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Xu hướng gia tăng trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã mang lại lợi ích cho Việt Nam không chỉ về sự bùng nổ thương mại mà còn cả sự chuyển hướng FDI", báo cáo bình luận.

Mặc dù quá trình này có bị gián đoạn do đại dịch, nhưng dòng vốn FDI đã tiếp tục trở lại, đặc biệt là với hoạt động sản xuất liên quan đến Apple (NASDAQ:AAPL). Hãng này đã sản xuất Airpods từ tháng 5/2020 và được cho là sẽ bắt đầu sản xuất iPad sớm nhất là vào giữa năm 2021. Hai nhà cung cấp của Apple là Pegatron và Foxconn, đều đã công bố kế hoạch đầu tư để tăng cường sản xuất tại Việt Nam.

Các chuyên gia HSBC cho rằng, chính sách ưu đãi và các nền tảng vĩ mô ổn định sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI ổn định trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. "Tham vọng công nghệ của họ không chỉ là một trung tâm sản xuất cấp thấp. Do đó, cần phải làm nhiều hơn nữa để nắm bắt các cơ hội sắp tới", nhóm nghiên cứu nhận định.

Theo HSBC, để làm được điều này, Việt Nam cần cải thiện hai điểm chính. Thứ nhất, nâng cao năng suất lao động thông qua giáo dục và đào tạo nghề có chất lượng tốt hơn. Việt Nam có một nguồn lao động sẵn có - từ nông nghiệp - có thể chuyển sang sản xuất. Đây là một cơ hội nhưng thách thức ở chỗ thiếu năng suất. Có đến 33% lực lượng lao động được xếp vào nhóm "không có tay nghề".

Thứ hai, liên tục cải thiện cơ sở hạ tầng. "Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam luôn ở mức cao, nhưng chất lượng của nó vẫn thua các nền kinh tế ASEAN khác, cản trở tiềm năng sản xuất của Việt Nam", báo cáo đánh giá và cho rằng, hợp tác Công-Tư (PPP) là một giải pháp lý tưởng để cân bằng giữa nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của Việt Nam và gánh nặng nợ công đang gia tăng.

Trước mắt, Việt Nam đang đối diện với làn sóng thứ ba của Covid-19. HSBC cho rằng, dù Việt Nam đã ứng phó tốt kể từ khi đại dịch xuất hiện nhưng sự cảnh giác trong lần này là cần thiết để tránh rủi ro với nền kinh tế. Do đó, theo HSBC, nhà nước cần hỗ trợ các chính sách tài khóa có mục tiêu hơn cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và người lao động.

Viễn Thông