Thanh tra Chính phủ nêu loạt sai phạm tại các Tổng Công ty trong thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2018

Vietstock

Ngày đăng 10/07/2023 21:34

Thanh tra Chính phủ nêu loạt sai phạm tại các Tổng Công ty trong thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2018

Vietstock - Thanh tra Chính phủ nêu loạt sai phạm tại các Tổng Công ty trong thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2018

Báo cáo của thanh tra Chính phủ cho thấy, nhiều Tổng Công ty (TCT) chưa hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết giai đoạn 2011-2018 theo Đề án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Cụ thể, số lượng các công ty chưa thực hiện đầy đủ và toàn diện việc tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, tài chính, quản trị, cơ cấu lại các khoản nợ, các khoản đầu tư.., chưa hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại còn khá lớn, việc thoái vốn các khoản đầu tư đạt tỷ lệ thấp, nhất là thoái vốn đối với các khoản đầu tư ngoài ngành, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính...chưa đạt tỷ lệ, số lượng theo Đề án.

Điển hình là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama, UPCoM: LLM) khi có 23 doanh nghiệp phải sắp xếp, cơ cấu lại, đến ngày 06/04/2016 (thời điểm TCT chuyển sang CTCP) mới hoàn thành sắp xếp, thoái vốn tại 7 doanh nghiệp, đã thực hiện việc thoái vốn tại 5 doanh nghiệp nhưng chưa đạt tỷ lệ vốn nắm giữ của TCT tại các công ty này, chưa hoàn thành tại 11 doanh nghiệp.

Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen, UPCoM: VIW), có 9 công ty phải sắp xếp, cơ cấu lại, mới hoàn thành tại 1 công ty, còn 8 công ty chưa hoàn thành theo đề án được phê duyệt.

Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UPCoM: SJG (HN:SJG)) phải sắp xếp, cơ cấu lại là 31 công ty, chưa hoàn thành tại 18 công ty.

Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 - CTCP (Fico, UPCoM: FIC), phải sắp xếp là 14 công ty, đã thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại 3 công ty, chưa hoàn thành theo đề án phê duyệt 11 công ty.

Tổng Công ty LICOGI - CTCP (UPCoM: LIC), phải sắp xếp, cơ cấu lại là 7 công ty, đã hoàn thành 2 công ty, chưa hoàn thành theo đề án 05 công ty;.

Tổng Công ty Công nghiệp Xi Măng Việt Nam (Vicem) phải sắp xếp, cơ cấu lại là 14 công ty, đã hoàn thành tại 7 công ty, còn 7 công ty chưa hoàn thành theo đề án.

Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, UPCoM: HAN) phải sắp xếp 16 công ty, đã hoàn thành tại 1 công ty, chưa hoàn thành tại 15 công ty.

Việc thoái vốn không đạt được hiệu quả

Bên cạnh việc chưa hoàn thành cơ cấu lại, nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết có vốn đầu tư của TCT, hoạt động không hiệu quả, thường xuyên thua lỗ kéo dài.. nhưng các TCT không có phương án xử lý triệt để các vấn đề trước khi cổ phần hóa, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các công ty thành viên, gây khó khăn trong việc thực hiện cổ phần hóa theo đề án được duyệt.

Điển hình là các khoản đầu tư tại 3 TCT: CC1, Vicem và Viglacera, với tổng số lỗ lũy kế tạm tính đến thời điểm 31/12/2019 là hơn 4,817 tỷ đồng... bên cạnh đó còn nhiều TCT không hoàn thành thoái vốn Nhà nước theo đề án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt mà đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính với tổng số tiền gần 148 tỷ đồng.

Tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn ở mức cao

Theo Thanh tra Chính phủ, sau CPH, nhiều TCT có tỷ lệ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn rất cao như: TCT Sông Đà, vốn nhà nước vẫn chiếm 99.79%; tại Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC, UPCoM: VGV), vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ 87.32%; TCT Lilama 97.88%; TCT Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng - CTCP (UPCoM: TCK) 98.76%; TCT Viwaseen chiếm 98.16%... Với tỷ lệ này, các trường hợp trên được xem là chưa hoàn thành việc tái cơ cấu, cổ phần hóa.

Mặt khác, từ cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khi chưa thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC, các bộ, địa phương chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, biểu quyết không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết, tuy nhiên, từ tháng 01/2016 đến tháng 08/2017, có 7 TCT do Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu, thuộc đối tượng phải chuyển giao về SCIC, tuy nhiên dù chưa thực hiện chuyển giao đã nhưng Bộ Xây dựng đã chấp thuận chủ trương cho các TCT này chuyển nhượng vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết.

Cụ thể, sau thời điểm thanh tra, đến ngày 30/08/2020, Bộ Xây dựng đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại TCT Viwaseen về SCIC, tuy nhiên khi thực hiện chuyển giao, TCT Viwaseen vẫn còn nắm giữ 60% vốn điều lệ tại Waseco.

Mặt khác, đối với việc thoái vốn của TCT VNCC, trong khi chưa chuyển giao về SCIC, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận chủ trương để TCT VNCC thoái toàn bộ các khoản vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết về 0%, gồm cả các công ty con đang trực tiếp tham gia sản xuất – kinh doanh, việc này là không đúng với Đề án tái cơ cấu TCT VNCC đã được Bộ phê duyệt, nếu thực hiện việc thoái vốn này sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của cổ phần Nhà nước tại các Công ty mẹ (do không còn các doanh nghiệp vệ tinh, không còn các khoản đầu tư nhiều tiềm năng...), thực tế, đến thời điểm chuyển giao sung SCIC, TCT VNCC chưa thực hiện việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo danh mục được Bộ Xây dựng chấp thuận.

Tương tự, khi chưa thực hiện chuyển giao TCT Viglacera, TCT Lilama về SCIC nhưng Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương để 2 TCT này thoái vốn đầu tư (TCT Viglacera thoái vốn đầu tư tại CTCP Giấy Tây Đô và CTCP Viglacera Đông Triều; còn TCT Lilama thoái vốn tại CTCP Lilama 45–4, CTCP Lilama 3, CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama), mặc dù, các khoản đầu tư này thuộc danh mục đầu tư ngoài ngành, kém hiệu quả, tiềm ẩn nhiều rủi ro, không mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và thuộc danh mục thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu (tái cấu trúc) đã được phê duyệt, tuy nhiên, việc chấp thuận thoái vốn này là thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý việc TCT Viwaseen thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Đề án tái cơ cấu TCT Viwaseen giai đoạn 2013-2015 đã được Bộ phê duyệt. Cụ thể, Viwaseen Huế đã bán chuyển nhượng cổ phần với giá 10,000 đồng/cp, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai, không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Mặt khác, tại thời điểm chuyển nhượng cổ phần, Viwaseen Huế đang quản lý, sở hữu khách sạn Heritage Huế đạt chuẩn 3 sao tại trung tâm TP Hu; là chủ đầu tư dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại ngã 6 giao lộ đường Lý Thường Kiệt - Hà Nội - Nguyễn Tri Phương, TP Huế; đang cung cấp các sản phẩm bê tông thương phẩm các loại thuộc dự án trạm trộn bê tông thương phẩm công suất 90m3/h tại thị xã Hương Thuý; có dự án khai thác mỏ đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Hương Trà... Theo đơn vị tư vấn định giá, mức giá tham chiếu của cổ phiếu Viwaseen Huế chiếu là 13,314 đồng/cp, tuy nhiên giá bán chỉ là 10,000 đồng/cp. Theo đó, số tiền (tạm tính) đã gây thất thoát vốn cho Nhà nước là hơn 7 tỷ đồng.

Ở trường hợp khác, định giá cổ phần của Tafico (công ty con của TCT Fico) khi phát hành tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu do đơn vị kiểm toán xác định là không chính xác, không đúng quy định do: kiểm kê thiếu giá trị vốn bằng tiền hơn 2.4 tỷ đồng theo phương pháp chiết khấu dòng tiền để xác định giá trị doanh nghiệp (FCFF); chưa đánh giá lại 7 TSCĐ vô hình có giá trị nguyên giá gần 9.3 tỷ đồng đang sử dụng bình thường; ghi nhận chưa chính xác việc kiểm kê, đánh giá hiện trạng một số tài sản giữa sổ sách và thực tế. Bên cạnh đó, khoản công nợ phải trả chưa được đối chiếu theo quy định là 612 triệu đồng, qua đó làm giảm GTDN cũng như giá khởi điểm cổ phần của Tafico.

Điều tra về việc lập khống tài liệu tại TCT Coma

Một trường hợp đáng chú ý khác là TCT Coma khi chuyển nhượng 1 triệu cp tại CCTP Địa ốc COMA cho CTCP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico), với giá chuyển nhượng 140,000 đồng/cp, sau đó TCT Coma ký phụ lục hợp đồng điều chính giảm giá bản cổ phần từ 140,000 đồng/cổ phần xuống 48,000 đồng/cổ phần nhưng không có căn cứ. Theo đó, tổng giá trị thương vụ giảm từ 140 tỷ đồng xuống còn 109.7 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 30 tỷ đồng.

Tại Văn bản ngày 22/04/2020 của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế Bộ Công an, cơ quan điều tra cho rằng TCT Coma và Vietradico có hành vi lập khống tài liệu, chứng từ giảm giá cổ phần COMALAND quay ngược thời gian trước thời điểm định giá giá trị COMA để phục vụ quá trình cổ phần hóa là để hợp lý hóa việc giảm giá chuyển nhượng cổ phần cho phù hợp với quyết định của Bộ Xây dựng về cổ phần hoá COMA. Do vậy, hành vi sai phạm này chưa gây thiệt hại, thất thoát tài sản và nguồn vốn Nhà nước trong hoạt động kinh doanh của Dự án 2.5HH.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật, Cục cảnh sát kinh tế thấy chưa đủ căn cứ để xử lý về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong việc giảm giá chuyển nhượng cổ phần của TCT Coma góp vốn tại COMALAND; trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm trên thuộc về Tổng giám đốc TCT Coma. Do đó, Cục CSKT đề nghị Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra, làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Bộ Xây dựng (là đại diện chủ sở hữu vốn) chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra theo đề nghị của Cục CSKT - Bộ Công an.

Bên cạnh sai phạm trên, trong thực hiện Đề án tái cơ cấu, việc thoái vốn TCT Coma còn một số tồn tại, khuyết điểm. Cụ thể, năm 2015 Coma tăng vốn góp tại CTCP Khóa Minh Khai thông qua việc mua lại cổ phiếu ưu đãi của một số người lao động - cổ đông hiện hữu với số tiền 5.9 tỷ đồng nhưng TCT Coma không báo cáo, chưa được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Hà Lễ