Ngân hàng nào có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng 4?

Vietstock

Ngày đăng 05/05/2022 14:58

Ngân hàng nào có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng 4?

Vietstock - Ngân hàng nào có thanh khoản tăng mạnh nhất trong tháng 4?

Trong bối cảnh thị trường chung giảm sốc, diễn biến cổ phiếu “vua” trong tháng qua cũng chỉ là bức tranh ảm đạm về thị giá và thanh khoản.

Kết thúc phiên 29/04/2022, chỉ số VN-Index giảm mạnh 125.27 điểm so với cuối tháng 3, đóng cửa ở mức 1,366.88 điểm. Đồng thời, theo dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 29/04 giảm đến 56.4 điểm so với cuối phiên 31/03, còn 602.19 điểm.

Vốn hóa lao dốc hơn 172,400 tỷ đồng

Trong tháng Tư, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng giảm 172,469 tỷ đồng, xuống còn 1.78 triệu tỷ đồng (tính đến 29/04/2022), tỷ lệ giảm 9% so với mức 1.95 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 3.

Nguồn: VietstockFinance

Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, vốn hóa Vietcombank (HM:VCB) giảm nhẹ nhất với 1%, còn VietinBank (CTG (HM:CTG)) và BIDV (HM:BID) có vốn hóa cùng giảm 14%.

Về phía khối ngân hàng cổ phần tư nhân, NCB (NVB (HN:NVB)) là nhà băng duy nhất có vốn hóa tăng trong tháng 3 với tỷ lệ 6%, tương đương giá trị tăng 1,169 tỷ đồng. Vốn hóa của nhà băng này cải thiện chủ yếu đến từ yếu tố giá cổ phiếu tăng từ 36,700 đồng/cp lên 38,800 đồng/cp mặc dù kết quả kinh doanh quý 1/2022 không mấy khả quan.

Cụ thể,  hoạt động chính của NCB đi lùi 34% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thu về gần 260 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Hoạt động chính đi lùi cộng thêm Ngân hàng trích gần 107 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng và 40 tỷ đồng để xử lý theo đề án tái cấu trúc dẫn đến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 25 tỷ đồng trong quý 1, giảm 6%.

Ngoài ra, điểm tối trong kết quả kinh doanh của NCB còn là nợ xấu tại ngày 31/03/2022 tăng 21% so với đầu năm, lên mức hơn 1,508 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh đến 51%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ cho vay tăng từ 3% đầu năm lên 3.73%.

Nguồn: VietstockFinance

Thanh khoản đi ngang

Trong tháng qua, có gần 125 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 1% so với tháng 3, tương đương giảm 1.71 triệu cp/ngày. Theo đó, giá trị giao dịch gần như đi ngang, ở mức 4,120 tỷ đồng/ngày.

Nguồn: VietstockFinance

Với thanh khoản giảm 89% so với tháng trước, Vietbank (VBB) là nhà băng có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, còn gần 23,000 cp/ngày. Đây cũng là nhà băng có thanh khoản thấp nhất.

Ngược lại, thanh khoản của cổ phiếu KLB tăng mạnh nhất trong tháng qua, gấp 10.9 lần tháng trước, lên hơn 1.5 triệu cp/ngày.

Tháng 4 này, thanh khoản cổ phiếu VPB vươn lên dẫn đầu, với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi ngày gần 25 triệu cp, tăng 53% so tháng 3.

Nguồn: VietstockFinance

Khối ngoại mua ròng 191 tỷ đồng

Trong tháng 4, khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 7 triệu cp ngành ngân hàng. Theo đó, giá trị mua ròng hơn 191 tỷ đồng.

Trong kỳ, khối ngoại mua ròng cổ phiếu HDB mạnh nhất với hơn 4 triệu cp, tương đương 110 tỷ đồng.

Bên cạnh đó SHB, TPB (HM:TPB), CTG, STB (HM:STB), LPB (HM:LPB), BID, VCB, ... là những nhà băng còn lại có khối ngoại mua ròng.

Trái lại OCB là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với hơn 4 triệu cp, giá trị bán ròng tương đương 102 tỷ đồng.

Ái Minh