Làm sao để ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại “chất lượng”?

Vietstock

Ngày đăng 14/03/2023 09:00

Làm sao để ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại “chất lượng”?

Vietstock - Làm sao để ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại “chất lượng”?

Câu chuyện tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) luôn là vấn đề nóng sốt được các ngân hàng quan tâm, nhất là trong giai đoạn cần tăng vốn để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định. Thế nhưng, làm sao để thu hút được đối tác chất lượng là nan đề cho những người làm quản trị ngân hàng.

Nới room ngoại lên 49% cho các ngân hàng nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém

Vietcombank (HM:VCB), MB, HDBank (HM:HDB) đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. VPBank (HM:VPB) cũng đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Hiện, có 3 ngân hàng “0 đồng” là CB, OceanBank, GPBank và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là DongABank. Nếu dự thảo được thông qua, room ngoại tại các ngân hàng MB, HDBank và VPBank sẽ được nới lên mức 49%.

Room ngoại hiện tại của MB là 23.24%, HDBank là 18% và VPBank là 17.6%, còn khá xa để đạt được mức đề xuất 49%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 3/1/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.

Một trong những điểm được nhà đầu tư quan tâm là dự kiến quy định những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém có thể được nới room ngoại từ 30% lên tới 49%.

Dù chỉ mới là dự thảo, điều này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Thứ nhất, vì sao cần nới room ngoại cho những ngân hàng nhận chuyển giao? Việc nới room ngoại sẽ giúp các ngân hàng này thu hút được các đối tác chiến lược chất lượng, tỷ lệ sở hữu đủ lớn sẽ giúp các đối tác nước ngoài này tham gia đủ sâu vào quản trị điều hành, đẩy nhanh được quá trình xử lý nợ xấu cũng như tái cơ cấu.

Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn giữ nguyên các quy định như Nghị định 01/2014/NĐ-CP trước đó: Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế - PGS (HN:PGS).TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, dự thảo chỉ áp dụng cho những ngân hàng đang gánh TCTD yếu kém và nếu như được nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên đến 49%, vẫn cần suy xét một cách hợp lý. Rõ ràng, nới room nhằm đưa khối ngoại tham gia vào TCTD yếu kém, nhưng khi đã dự vào hệ thống ngân hàng Việt Nam thì sẽ có thể có những tác động không thuận chiều đối với cả NHTM đó và với chính sách của NHNN.

Tất nhiên, xét về phương diện nào đó, một số ý kiến cho rằng vì là ngân hàng yếu kém đã nhiều năm, nếu không có sự tham gia từ tổ chức nước ngoài, không có thay đổi đột phá nào thì sẽ khó hồi phục và phát triển được” - ông Thịnh đánh giá ý kiến này cần được suy xét phù hợp.

Ngân hàng khóa room ngoại chờ đối tác tiềm năng

Thứ hai, vì sao room ngoại của nhiều ngân hàng vẫn dưới mức trần 30%?

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ, về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam:

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Dù có nhiều ngân hàng đề xuất tăng room ngoại, trên thực tế, số lượng ngân hàng giữ room ngoại ở mức 30% và kín room ngoại rất ít.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tính đến 13/03/2023, có 16 ngân hàng có room ngoại ở mức trần 30%. Trong đó, có 6 ngân hàng đã kín room ngoại hoặc còn rất ít như MSB, ACB (HM:ACB), CTG (HM:CTG), TPB (HM:TPB).

Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn trống room ngoại gần như nguyên vẹn 30% như KLB (HN:KLB), BAB (HN:BAB), PGB, SGB…

Có thể thấy, khi các nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phiếu ngân hàng đang lưu hành nhằm mục đích “chốt lời” thì nguồn vốn này chỉ ngắn hạn và đây không phải là đối tác tiềm năng.

Trong khi mục đích huy động vốn ngoại tại ngân hàng chủ yếu là tăng nguồn vốn dài hạn, giúp nâng tỷ lệ an toàn vốn, quản trị rủi ro và thường theo lộ trình đã đề ra từ trước. Do đó, việc các ngân hàng không nâng room ngoại lên mức tối đa hoặc thậm chí là “khóa” room ngoại được xem là động thái chờ đối tác ngoại tiềm năng.

Room ngoại tại các ngân hàng tính đến 13/03/2023
Nguồn: VietstockFinance

Làm sao để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại?

Việc các ngân hàng liên tục xin nới room ngoại lên trên mức 30% hoặc khóa room ngoại chờ đối tác chiến lược cũng vì mục đích tăng vốn để xử lý nợ xấu, hoàn thành Basel II, hướng đến Basel III và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn.

Nhưng hiện trạng nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết room 30% hoặc room ở mức 30% nhưng vẫn không thu hút được đối tác chiến lược đặt ra câu hỏi là ngoài quy định pháp lý, từ nội tại các ngân hàng cần làm gì để thu hút vốn ngoại?

TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, mọi việc tùy vào sự vận hành và ngân hàng đó có tiềm năng đối với nhà đầu tư ngoại hay không. Những ngân hàng có triển vọng và tiềm năng cao thì lúc nào cũng kín room, còn những ngân hàng không tìm được đối tác chiến lược nước ngoài thường là những ngân hàng có rủi ro tín dụng và nợ xấu cao, khiến khối ngoại không mặn mà. Chính vì thế, để thu hút khối ngoại, các ngân hàng này cần phải tái cấu trúc, quản trị tốt về rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động của ngân hàng mới mong tìm kiếm được đối tác chiến lược.

Một số ngân hàng muốn khóa room ngoại vì e dè khối ngoại sẽ “thâu tóm” hoặc chỉ là những nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ chứ không thu hút được đối tác ngoại tiềm năng. Việc có yếu tố nước ngoài sẽ làm cho hoạt động của ngân hàng phức tạp hơn, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đòi hỏi cao hơn, nhiều hơn so với nhà đầu tư trong nước. Một số ngân hàng không thích điều đó vì sẽ khó khăn trong việc điều hành, trong khi số khác lại cần sự tư vấn và kinh nghiệm của đối tác nước ngoài. Tất cả tùy vào chiến lược của mỗi ngân hàng” - TS. Huân giải thích thêm.

Cát Lam