KBSV: NIM 2021 của toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại

Vietstock

Ngày đăng 30/12/2020 16:31

KBSV: NIM 2021 của toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại

Vietstock - KBSV: NIM 2021 của toàn ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại

CTCK KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng NIM 2021 của toàn ngành ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong bối cảnh lãi suất huy động thấp.

Trong báo cáo chiến lược, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, KBSV cho biết  tính đến ngày 27/11/2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.46% so với cuối năm 2019, trong đó giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 đã đóng góp 3.71% (thông tin từ Ngân hàng Nhà nước). Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam, các doanh nghiệp quay trở lại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm cùng với chính sách cắt giảm lãi suất điều hành từ NHNN là cơ sở để KBSV kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt mức 11%.

Cho năm 2021. KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12-14% khi hầu hết các ngành nghề kinh tế dự báo có sự phục hồi.

NIM trong 3 quý đầu năm 2020 đạt 3.54%, giảm 0.02% điểm so với đầu năm 2020

Trong phạm vi 15 ngân hàng niêm yết được nghiên cứu, CASA được cải thiện mạnh mẽ giúp lãi suất huy động nhóm ngân hàng TMCP hàng đầu đều có mức giảm tương đối cao. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước không có nhiều thay đổi, riêng VCB (HM:VCB) tăng khiến lãi suất huy động bình quân theo trọng số 3 quý đầu năm 2020 đạt 4.72%, không thay đổi so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất bình quân đầu ra 3 quý đầu năm 2020 đạt 8.08%, giảm 0.09% điểm so với hồi đầu năm 2020 khiến NIM 3 quý đầu năm 2020 đạt 3.54%, giảm 0.02% điểm so với đầu năm 2020.

KBSV kỳ vọng NIM 2021 của toàn ngành sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong bối cảnh lãi suất huy động thấp.

Áp lực trích lập sẽ tiếp tục cao trong năm 2021

9 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng, chủ yếu được sử dụng để xử lý nợ với tổng trích lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 22.9% so với cùng kỳ năm trước và xử lý nợ tăng 22.8%. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, diễn biến nợ xấu tiếp tục phức tạp với tỷ lệ nợ xấu 3 quý năm 2020 đạt 1.78%, tăng 0.09% điểm so với cùng kỳ năm trước, trong đó TCB (HM:TCB), VIB và NVB (HN:NVB) là những ngân hàng hiếm hoi có mức giảm tỷ lệ nợ xấu đáng kể.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 3 quý năm 2020 đạt 89.3%, tăng 0.5% điểm so với cùng kỳ năm trước, trong đó TCB, VCB và ACB (HM:ACB) có tỷ lệ bao phủ cao nhất (>100%), phần còn lại đều khá dè dặt trong việc nâng cao trích lập do dư địa lợi nhuận không lớn. Theo quan điểm của KBSV, áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục cao trong năm 2021 sau khi các khoản nợ tái cơ cấu bị chuyển nhóm theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Thu nhập ngoài lãi 2021 dự báo tích cực nhờ động lực của bancassurance và thu nhập bất thường

Thu nhập ngoài lãi 2021 dự báo sẽ tích cực: 1) phí dịch vụ và bancassurance hồi phục nhờ nhận thức nâng cao về mức độ rủi ro sau khi dịch Covid-19 diễn ra và tỷ lệ dân số sử dụng bảo hiểm còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, 2) thu nhập bất thường có thể đến ở phí upfront fee từ hợp tác độc quyền bancassurance (CTG (HM:CTG), ACB, TPB) cũng như thoái vốn khỏi các công ty con (VPB (HM:VPB), SHB (HN:SHB)).

Nhu cầu tăng vốn cấp thiết hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Các thách thức về vốn hóa vẫn còn khi các khoản nợ xấu mới phát sinh từ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ làm tăng giá trị tài sản rủi ro, từ đó sẽ đặt ra những thách thức về vốn hóa hơn cho các ngân hàng và đẩy mạnh nhu cầu tăng vốn trong năm 2021, đặc biệt các ngân hàng có CAR dưới 10%.

Khang Di