Bộ Công an nói gì về việc xử lý thông tin bịa đặt liên quan Chủ tịch Sacombank?

Vietstock

Ngày đăng 03/04/2024 21:43

Bộ Công an nói gì về việc xử lý thông tin bịa đặt liên quan Chủ tịch Sacombank?

Vietstock - Bộ Công an nói gì về việc xử lý thông tin bịa đặt liên quan Chủ tịch Sacombank?

Trước câu hỏi từ phóng viên, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An khẳng định các thông tin sai sự thật sẽ được điều chỉnh theo các bộ luật hiện hành trên tinh thần tất cả những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng pháp luật. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra vào chiều ngày 03/04, một phóng viên đã có câu hỏi liên quan đến tin đồn sai sự thật về ông Dương Công Minh – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: HM:STB).

Trong đó, phóng viên nêu đích danh ông Đặng Tất Thắng, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC (HM:FLC) (UPCoM: FLC) và Bamboo Airways đã có thông tin về việc ông Minh bị cấm xuất cảnh và được Bộ Công an xác định là sai sự thật.

“Xin hỏi, thông tin sai sự thật này sẽ bị xử lý như thế nào khi tác động xấu đến thị trường chứng khoán và có tình trạng bán tháo cổ phiếu STB trong 2 phiên vừa qua. Được biết ông Thắng đang ở Australia, trong trường hợp cá nhân thông tin sai sự thật ở nước ngoài thì biện pháp xử lý tiếp theo của Bộ Công an là gì? Ngoài ra, xin Bộ Công an cho biết hoạt động chống phá của tội phạm trên không gian mạng và việc xý lý đối với hoạt động này ra sao?” – trích các câu hỏi của phóng viên.

Phản hồi, Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định các thông tin sai sự thật sẽ được điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Luật Dân sự và các luật khác liên quan trên tinh thần tất cả những ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng pháp luật. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

“Bài học rút ra từ vụ việc này, thứ nhất là phải xử lý sớm những thông tin sai sự thật, những thông tin xấu độc, khi xuất hiện các thông tin sai trái thì cơ quan chức năng liên quan sớm có biện pháp xử lý, phản bác.

Thứ hai, phối hợp với các đơn vị chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, làm đúng quy trình, quy định.

Thứ ba là phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, những người làm truyền thông phải chấp hành nghiêm quy định” – theo Trung tướng Tô Ân Xô.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng tiết lộ, đối với việc chống phá trên không gian mạng và tội phạm trên không gian mạng, hoạt động chống phá của tội phạm mạng diễn ra rất phức tạp trong quý 1. Tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng để đánh cắp thông tin, lừa đảo.

Quý 1/2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ. Riêng tháng 3 cũng phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng trước đó.

“Thời gian vừa qua, hệ thống mạng của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tội phạm tấn công, đánh cắp dữ liệu, thay đổi giao diện, cướp quyền quản trị. Thậm chí Bộ Công an đã phát hiện hàng chục GB dữ liệu có nội dung bí mật bị đánh cắp. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị bị tội phạm mạng tấn công rất dồn dập, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bị tấn công mạng” – theo Trung tướng.

Về tội phạm mạng, tội phạm lợi dụng không gian mạng để tổ chức đánh bạc và đánh bạc cũng gia tăng. Trong tháng 3/2024, Cục Cảnh sát hình sự đã khởi tố 42 vụ với 252 đối tượng đánh bạc lên đến hàng trăm tỷ đồng. Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng cũng xảy ra tương đối lớn (605 vụ), bắt giữ 377 đối tượng, số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.

“Từ các việc trên, Bộ Công an đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường công tác đảm bảo an ninh, nội dung này trong buổi họp Chính phủ đã đề cập. Bộ Công an cũng mong muốn nhân dân tham gia tố giác tội phạm, không tin, không nghe, không làm theo các hướng dẫn qua điện thoại, qua các dịch vụ để cảnh giác tránh bị lừa đảo”.

Hải Âu