BIC đạt hơn 324 tỷ lãi ròng trong 9 tháng

Vietstock

Ngày đăng 30/10/2023 11:41

BIC đạt hơn 324 tỷ lãi ròng trong 9 tháng

Vietstock - BIC (HM:BIC) đạt hơn 324 tỷ lãi ròng trong 9 tháng

Chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng chậm hơn doanh thu cùng với hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh giúp CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) thu về lãi ròng 9 tháng hơn 324 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng quý 3/2023, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC có doanh thu thuần tăng 33% so với cùng kỳ, đạt gần 918 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc (1,143 tỷ đồng) tăng 36%.

Mặt khác, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng tương ứng với doanh thu thuần, tăng 33% lên 702 tỷ đồng, nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 34% so với cùng kỳ lên gần 216 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động tài chính của Công ty có lãi hơn 110 tỷ đồng, tăng 54% so cùng kỳ, giúp lãi ròng quý 3 của BIC tăng 84%, đạt hơn 104 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng 44%, đạt hơn 602 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 43% lên gần 307 tỷ đồng, BIC ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 324 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ.

Theo thuyết minh, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng chủ yếu nhờ doanh thu phí bảo hiểm gốc mảng sức khỏe và tai nạn con người tăng thêm 665 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 62% so với cùng kỳ, trong khi chi phí bồi thường bảo hiểm và chi phí khác tăng chậm hơn doanh thu, lần lượt tăng 13% và 44%. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng nhờ lãi tiền gửi (hơn 238 tỷ đồng) tăng 62% và hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.

Năm 2023, BIC lên kế hoạch đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 480 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, Công ty đã thực hiện được 86% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Cuối quý 3/2023, tổng tài sản của BIC tăng 14% so với đầu năm, đạt gần 7,577 tỷ đồng.

Các khoản mục giúp tài sản gia tăng chủ yếu là tiền và các khoản tương đương tiền (109 tỷ đồng) gấp 3.8 lần, đầu tư tài chính ngắn hạn (5,005 tỷ đồng) tăng 18%, tài sản tái bảo hiểm (1,031 tỷ đồng) tăng 8%. Ngược lại, đầu tư tài chính dài hạn giảm 20% so với đầu năm còn 507 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng mạnh hơn tổng tài sản, tăng 21% so với đầu năm lên gần 4,918 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản dự phòng nghiệp vụ (3,457 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm). 

Khang Di