Nợ xấu ngân hàng biến động ra sao trong quý 1/2019?

Vietstock

Ngày đăng 15/05/2019 12:00

Nợ xấu ngân hàng biến động ra sao trong quý 1/2019?

Vietstock - Nợ xấu ngân hàng biến động ra sao trong quý 1/2019?

Diễn biến nợ xấu trong quý 1/2019 không đồng nhất, đa số các nhà băng giảm trích lập dự phòng đẩy lãi ròng tăng cao, tuy nhiên cũng có ngân hàng tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ cho vay với con số đáng kể.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, đa số các nhà băng đều giảm trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, như BID (-14%), SCB (-97%), Vietbank (-65%)... Thậm chí nhiều nhà băng không trích lập dự phòng, qua đó giúp lãi ròng tăng cao trong quý đầu năm này như BAB, NamABank, SHB (HN:SHB) và NVB (HN:NVB).

Tuy nhiên vẫn có những nhà băng tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước để xử lý nợ xấu như LPB (HN:LPB) (gấp 2.2 lần), VIB (+64%), STB (gấp 5.3 lần), TPB (gấp 2.3 lần).

Lợi nhuận thuần trước dự phòng và chi phí trích lập dự phòng ngân hàng quý 1/2019 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Thế nhưng diễn biến nợ xấu của các ngân hàng trong quý 1 có khả quan hơn hay không? Tại buổi công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý 1/2019 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại diện NHNN cho biết trong 3 tháng đầu năm, dựa theo tình hình thực tế, NHNN đã “nới” tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41. Nhờ đó, tính đến 25/03/2019, tín dụng toàn hệ thống đã tăng khoảng 2.28% so với cuối năm 2018. Theo kế hoạch, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống năm nay chỉ ở mức 14%.

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, tính đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 204.4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40.1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113.4 nghìn tỷ đồng).

Tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng tính đến 31/03/2019 (Đvt: Tỷ đồng, %)
Nguồn: VietstockFinance

Tính đến 31/03/2019, theo số liệu thống kê của Vietstock, dựa trên 23 ngân hàng đã công bố thông tin về nợ xấu quý 1/2019, 2 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ trên 3% là BaoVietBank (3.85%) và VPBank (HM:VPB, 3.62%). Trong đó, BaoVietBank giảm từ mức 3.98% đầu năm xuống còn 3.85%, nợ xấu tập trung chủ yếu 549 tỷ đồng nợ xấu nhóm 5, còn VPB lại tăng từ 3.51% lên 3.62% và tập trung 4,466 tỷ đồng nợ xấu nhóm 3.

Có 7/23 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ giảm so với đầu năm nhưng thực chất chỉ có 6 ngân hàng có nợ xấu giảm so với đầu năm là BaoVietBank (-4%), Eximbank (HM:EIB; -1%), Sacombank (HM:STB; -11%), HDBbank (HDB (HM:HDB); -1%), ACB (HN:ACB) (-3%) và BAB (-43%).

Tính đến ngày 31/03/2019, tổng nợ xấu của 21 ngân hàng thống kê được đạt 83,795 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Cơ cấu nợ tập trung chủ yếu vào nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Nếu xét về giá trị tuyệt đối, BIDV (HM:BID) là nhà băng dẫn đầu với 17,876 tỷ đồng nợ xấu, sau đó là VietinBank (CTG (HM:CTG)) với 15,962 tỷ đồng nợ xấu, và tỷ lệ nợ xấu của 2 “ông lớn” này cũng tăng lên so với đầu năm ở mức 1.74% và 1.85%.

Với 6,952 tỷ đồng nợ xấu, “anh cả” Vietcombank (HM:VCB) đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng, chủ yếu tập trung ở nợ nhóm 5, ghi nhận 4,926 tỷ đồng. Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 6% thì nợ xấu tăng gần 12% so với đầu năm, do đó kéo tỷ lệ nợ xấu của VCB lên 1.03%.

Không thể không nhắc đến STB như là một điểm sáng cho sự cố gắng xử lý nợ xấu, khỉ chỉ mới quý 1, nhà băng này đã kéo được tỷ lệ nợ xấu về dưới 2% như đúng kế hoạch mà ban lãnh đạo Ngân hàng đã đề ra trước đó. Tại ĐHĐCĐ 2019 vừa qua, đại diện Ngân hàng cho biết 2 năm qua STB đã xử lý nợ xấu nội bảng chỉ còn khoảng 2.1%. Nợ xấu và nợ đã bán VAMC còn khoảng 10.5%. Năm 2018 đã xử lý được 13,000 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2019 là kéo tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%, nhưng hiện đã đấu giá tài sản, mục tiêu đặt ra 10,000 tỷ đồng. Với doanh số trong quý 1 đã lên gần 5,000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết năm 2019 kế hoạch xử lý nợ xấu đang phát triển tốt.

Tính đến 31/03/2019, còn một số nhà băng chưa công bố BCTC hoặc đã có kết quả kinh doanh nhưng không công khai cụ thể tình hình nợ xấu như NVB, ABBank (ABB), VietABank, VietCapitalBank...

Ở một khía cạnh khác, còn một số nhà băng không công khai chi tiết tình hình nợ xấu, có nhà băng tăng trưởng lợi nhuận tốt, cũng có ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Phải chăng các nhà băng này đang “giấu” nợ xấu của mình?

Bảng tổng hợp dư nợ cho vay khách hàng và tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/03/2019 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance

Cát Lam