Bloomberg: Vì sao Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại?

Vietstock

Ngày đăng 12/12/2018 07:22

Bloomberg: Vì sao Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại?

Vietstock - Bloomberg: Vì sao Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại?

Trong cuộc đua thu hút các công ty đang muốn xây dựng nhà máy ở nước ngoài giữa lúc Mỹ và Trung Quốc xung đột thương mại, Việt Nam dường như có nhiều lợi thế so với các quốc gia khác.

Trong số 7 nước mới nổi ở châu Á, Việt Nam được xếp vị trí số 1 trong bảng xếp hạng về điểm đến sản xuất công nghiệp, dựa trên bài phân tích của Natixis SA, trong đó xét tới tình hình nhân khẩu, tiền lương và giá điện, xếp hạng về điều kiện hoạt động kinh doanh, logistics và cả tỷ lệ FDI đổ vào hoạt động sản xuất.

3rd party ad content

“Việt Nam sắp giành lấy một lượng thị phần toàn cầu về hoạt động sản xuất thâm dụng lao động từ Trung Quốc”, Trinh Nguyen, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis ở Hồng Kông. “Đây là quốc gia hưởng lợi rõ ràng từ cuộc chiến thương mại”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tận dụng căng thẳng thương mại để nâng cao hình ảnh của Việt Nam như là một trung tâm sản xuất và xuất khẩu, bán mọi thứ từ giày dép cho tới điện thoại thông minh. Giá trị thương mại Việt Nam gấp đôi GDP, cao hơn bất kỳ quốc gia nào tại châu Á (ngoại trừ Singapore).

Sau đây là những điểm hấp dẫn của thị trường Việt Nam để thu hút nhà đầu tư nước ngoài:

Nhân công giá rẻ

Người lao động sản xuất tại Việt Nam được chi trả trung bình 216 USD/tháng, thấp hơn một nửa mức lương của người lao động sản xuất ở Trung Quốc. Nhờ có các khoản trợ cấp từ Chính phủ, giá điện cũng rẻ hơn ở mức 7 xu Mỹ/kwh, thấp hơn mức 10 xu của Indonesia và 19 xu của Philippines, dựa trên dữ liệu tháng 6/2018 của GlobalPetrolPrices.com.

Việt Nam cũng là một trong những nước có lực lượng lao động lớn nhất Đông Nam Á, đạt 57.5 triệu người, cao hơn rất nhiều so với con số 15.4 triệu người của Malaysia và 44.6 triệu người của Philippines, dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Thỏa thuận thương mại và hoạt động đầu tư

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, châu Âu và cùng với 10 quốc gia khác ký kết vào Hiệp định TPP – sau này đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Các quan chức đã hoàn tất một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 6/2018, trong đó loại bỏ gần như tất cả hàng rào thuế quan. Ở Đông Nam Á, chỉ duy nhất Singapore có một thỏa thuận tương tự như vậy với EU.

Chính phủ Việt Nam còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh bằng đề xuất sửa đổi luật chứng khoán, trong đó nâng room ngoại của các công ty đại chúng lên 100%, ngoại trừ ở những lĩnh vực giới hạn như ngân hàng và viễn thông.

Vị trí địa lý

Vị trí địa lý gần với Trung Quốc cũng giúp Việt Nam thêm phần hấp dẫn. Cả hai cùng có chung đường biên giới, không như các quốc gia khác như Indonesia, Philippines và Malaysia đều cách khá xa.

Các công ty Trung Quốc cần nguyên vật liệu thô hay linh kiện sản phẩm từ Mỹ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi nhập những hàng hóa đó thông qua Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á khi cả hai quốc gia này dần đóng vai trò trung tâm hơn trong các chuỗi sản xuất của nhau.

Sự ổn định

Việt Nam tự hào là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, được dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay. Tiền Đồng cũng khá ổn định trong năm 2018, so với các đồng tiền khac ở châu Á như đồng Rupee và Rupiah – vốn giảm mạnh trong năm nay.

“Tăng trưởng kinh tế mạnh và ổn định chính trị là những yếu tố rất quan trọng trong mắt nhà đầu tư”, Tony Foster, Đối tác quản lý tại công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer LLP ở Hà Nội, cho hay.

Tiền Đồng sẽ vẫn khá ổn dịnh trong ngắn hạn nhờ sự hỗ trợ từ dòng vốn vào FDI mạnh và hoạt động sản xuất vững chắc, Fitch Solutions Macro Research – một đơn vị thuộc Fitch Group – cho biết trong tháng 10/2018.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)