Vì sao giá dầu không tăng quá mạnh sau vụ tấn công vào tàu chở dầu ở Ô-man?

Vietstock

Ngày đăng 14/06/2019 16:15

Vì sao giá dầu không tăng quá mạnh sau vụ tấn công vào tàu chở dầu ở Ô-man?

Vietstock - Vì sao giá dầu không tăng quá mạnh sau vụ tấn công vào tàu chở dầu ở Ô-man?

Thị trường dầu có vẻ phản ứng tương đối yên bình trước vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man trong ngày thứ Năm (13/06). Và tình trạng này có vẻ đang nói lên nhiều điều.

Vâng, giá dầu WTI leo dốc – lúc đầu tăng tới 4.5% trước khi giảm bớt đà leo dốc – nhưng giá không tăng quá mạnh. Giá dầu WTI vẫn ở gần mức đáy 5 tháng, mặc dù có thông tin hai tàu chở dầu bị tấn công gần với Eo biển Hormuz – điểm quan trọng nhất đối với hoạt động quá cảnh dầu trên thế giới.

Phản ứng tương đối yếu của giá dầu cho thấy những yếu tố thực sự chi phối thị trường dầu hiện nay: Khả năng suy giảm nhu cầu dầu vì căng thẳng thương mại leo thang và đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Nói cách khác, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới là yếu tố chi phối mạnh hơn tới thị trường dầu, ít nhất là tại thời điểm này.

“Đà tăng không thực sự ấn tượng. Trong những năm trước đây, giá dầu có thể tăng 5-10% trong tình huống tương tự”, Tom Kloza, Trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu tại Dịch vụ Thông tin Giá dầu (OPIS), cho hay.

Thậm chí, sau khi tính tới đà tăng ngày thứ Năm (13/06), giá dầu WTI vẫn còn trong xu hướng giảm. Giá dầu WTI đã giảm 20% kể từ khi chạm mức 66.3 USD/thùng hồi cuối tháng 4/2019. Giá dầu Brent cũng giảm cùng mức độ.

“Người tiêu dùng sẽ chứng kiến giá dầu suy giảm, trừ khi có tình huống gì thật sự kịch tính diễn ra ở Eo biển Hormuz”, Kloza cho hay.

Nỗi sợ về an ninh leo thang

Dù vậy, tình hình ở vùng Trung Đông vẫn đang rất nghiêm trọng, đối với giá dầu và cả thế giới.

Cuộc tấn công ở Vịnh Ô-man diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang leo thang.

“Rủi ro tình trạng căng thẳng vượt tầm kiểm soát không quá lớn”, Jason Bordoff, từng là Cố vấn Năng lượng dưới thời chính quyền Barack Obama và giờ đang là người đứng đầu Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, cho hay.

Khoảng 22.5 triệu thùng dầu quá cảnh qua Eo biển Hormuz mỗi ngày từ đầu năm 2018, theo dữ liệu từ công ty phân tích năng lượng Vortexa. Con số này tương đương 24% sản lượng dầu hàng ngày của thế giới.

Sự cố xảy ra sau khi 4 tàu chở dầu bị tấn công trong tháng 5/2019 ở gần bờ biển của các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Ả-rập Xê-út cũng ghi nhận các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có vũ trang trong tháng trước tại một trạm bơm xăng ở vương quốc này.

Sự suy giảm nhu cầu dầu

Tuy vậy, giá dầu vẫn chưa thực sự tăng mạnh. Trên thực tế, giá dầu thô còn chưa lấy lại 4% đã mất trong ngày thứ Tư (12/06).

“Điều này khá đáng chú ý”, Croft cho hay. “Chúng ta giờ đã có 6 tàu chở dầu bị tấn công, sân bay của Ả-rập Xê-út bị tấn công và Venezuela sắp bị áp lệnh trừng phạt. Vậy mà giá dầu chẳng tăng mạnh. Điều này chỉ cho thấy tâm lý bi quan đang nổi trội như thế nào trên thị trường”.

Bà Croft cho hay thông thường, khi xuất hiện những yếu tố này, giá dầu Brent có thể lên gần 100 USD/thùng, thay vì giảm xuống 62 USD/thùng.

Một phần nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là dự trữ dầu tại Mỹ tăng vọt – một dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu đang suy yếu vì nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và chiến tranh thương mại leo thang căng thẳng.

Dự trữ dầu tại Mỹ tăng thêm 2.2 triệu thùng trong tuần trước, hiện đang cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 8%, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Trong ngày thứ Năm (13/06), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hạ triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019, với lý do nhu cầu ảm đạm từ các quốc gia phát triển.

Lĩnh vực dầu tại Mỹ tăng trưởng mạnh

Mặc dù OPEC chịu áp lực tăng sản lượng từ ông Trump, nhưng tổ chức này hiện được dự báo giữ nguyên sản lượng hoặc thậm chí là giảm sản lượng.

Tâm trạng bi quan trên thị tường dầu hiện rất đáng chú ý khi xét tới những đợt giảm sản lượng gần đây của OPEC. Các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Venezuela đã ngăn chặn Venezuela chuyển dầu tới Mỹ. Và hoạt động xuất khẩu dầu của Iran cũng bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.

Thế nhưng, các đợt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh đã bị lấn át bởi đà tăng mạnh sản lượng từ Mỹ, dẫn đầu là Lưu vực Basin ở Tây Texas. Sản lượng Mỹ có thể tăng lên mức kỷ lục 13.4 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019, theo công ty nghiên cứu Rystad Energy.

Liệu thị trường có đáng đánh giá thấp rủi ro ở vùng Trung Đông?

Thị trường dầu có thể “thức giấc” nếu Mỹ và Trung Quốc tiến tới thỏa thuận thương mại – hoặc nếu mối đe dọa an ninh ở vùng Trung Đông tồi tệ hơn đáng kể.

Xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran hoặc việc đóng cửa Eo biển Hormuz vẫn chỉ là suy đoán do nỗi sợ của Iran về hành động quân sự của Mỹ và sự ác cảm của chính quyền Mỹ đối với các vướng mắc nước ngoài, Paul Sheldon, Trưởng bộ phận cố vấn địa chính trị tại S&P Global Platts Analytics, cho hay.

“Thế nhưng, rủi ro tính toán sai ở vùng Trung Đông rõ ràng đang gia tăng”, Sheldon viết.

Bà Croft cho rằng giá dầu chưa thực sự phản ánh đúng thực tế ở vùng Trung Đông.

“Chúng ta có thể đang trong cuộc khủng hoảng an ninh rất, rất nghiêm trọng trước khi thị trường nhận ra điều này”, bà cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNBC)