Vì sao châu Âu lưỡng lự trong việc cấm dầu khí Nga?

Vietstock

Ngày đăng 10/04/2022 10:20

Vì sao châu Âu lưỡng lự trong việc cấm dầu khí Nga?

Vietstock - Vì sao châu Âu lưỡng lự trong việc cấm dầu khí Nga?

Giới chức châu Âu khó nhất trí về lệnh cấm dầu Nga vì lo ngại "đòn giáng ngược" vào nền kinh tế. Trong khi đó, việc cấm khí đốt thậm chí còn tác động mạnh hơn tới khối này.

Theo CNN, châu Âu đã quay lưng với than nhập khẩu từ Nga. Câu hỏi đặt ra là lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ nhắm vào mặt hàng nào.

CNBC đưa tin hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì chiến sự ở Ukraine.

“Chúng tôi sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, trị giá 4 tỷ euro (4,39 tỷ USD) mỗi năm. Quyết định này có thể chặn một nguồn thu quan trọng khác của Nga", bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - nhấn mạnh.

Đây là đòn giáng đầu tiên của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Nhưng với Ukraine, điều này vẫn chưa đủ. Hôm 8/4, Ukraine đã lặp lại lời kêu gọi cấm vận dầu của Nga sau vụ tấn công bằng tên lửa vào ga tàu tại khu vực Kramatorsk do Ukraine kiểm soát.

EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ. Ảnh: Reuters.

Cân nhắc cấm dầu Nga

Theo dữ liệu chính thức, EU nhập khẩu 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ.

Việc cấm vận than từ Nga vốn không phải một quyết định quá khó khăn. Bởi nhu cầu về loại nhiên liệu hóa thạch này đang trên đà giảm, nguồn cung thay thế cũng sẵn có hơn khí đốt tự nhiên.

Tuy nhiên, những cáo buộc mới nhất về các hành động của Nga ở Ukraine đã làm gia tăng áp lực, buộc giới chức Liên minh châu Âu (EU) phải cân nhắc lệnh cấm vận dầu khí Nga.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu vào năm ngoái. Gần 2/3 lượng dầu xuất khẩu của nước này được đưa tới châu Âu.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Hồi tháng 3, châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ dầu khí Nga vào năm 2027. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giới chức đã bắt đầu thảo luận về lệnh cấm vận dầu Nga.

"Chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga", bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tiết lộ.

Hôm 4/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố EU nên tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga. Tuyên bố được đưa ra sau thông tin về những hành động của Nga ở các thị trấn gần thủ đô Kyiv.

Hôm 8/4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định không muốn chờ đợi lệnh cấm dầu Nga lâu hơn nữa. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông tin rằng Đức có thể ngừng nhập khẩu dầu Nga "trong năm nay".

Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson, ông Scholz cho biết Đức đang "tích cực làm việc" để ngừng phụ thuộc vào dầu Nga. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Đức sẽ mất nhiều thời gian hơn đối với khí đốt từ Nga.

Quyết định khó khăn

Các đề xuất trừng phạt mới được EU đưa ra bao gồm lệnh cấm giao dịch hoàn toàn đối với 4 ngân hàng quan trọng của Nga, bao gồm VTB; lệnh cấm tàu Nga cập cảng châu Âu; lệnh cấm xuất khẩu 10 tỷ EUR những mặt hàng bao gồm máy tính lượng tử và chất bán dẫn tiên tiến.

Trên thực tế, rất khó để các nước thành viên EU nhất trí với lệnh trừng phạt mới. Bởi mức độ phụ thuộc vào dầu Nga của mỗi quốc gia trong khối này khác nhau.

Một số quốc gia ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Nhưng những nước khác cho rằng động thái đó sẽ tác động lớn tới nền kinh tế của chính họ mạnh hơn nền kinh tế Nga.

Lệnh trừng phạt của EU đối với khí đốt tự nhiên của Nga khó xảy ra vào thời điểm này. Bởi những thiệt hại kinh tế mà nó gây ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên, châu Âu có thể chống chịu được ảnh hưởng từ lệnh cấm vận dầu Nga.

Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã cấm vận dầu Nga. Trên thực tế, những hạn chế nhắm vào các ngân hàng, tổ chức tài chính và giới nhà giàu Nga cũng tạo ra lệnh cấm ngầm đối với ngành công nghiệp năng lượng nước này.

Các công ty dầu khí châu Âu như Shell, TotalEnergies (NYSE:TTE) và Neste đã ngừng mua dầu thô của Nga, hoặc sẽ ngừng mua dầu thô của Nga vào cuối năm nay.

Miễn là Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á, tác động sẽ không quá lớn. Nhưng nếu không, lệnh cấm có khả năng làm tê liệt nền kinh tế Nga. Bởi nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu

Ông Claudio Galimberti, Phó chủ tịch phân tích của Rystad Energy

Giá dầu thô Brent tăng phi mã vào đầu tháng 3 và vượt ngưỡng 139 USD/thùng - mốc cao nhất trong vòng 14 năm. Nhưng loại dầu Urals của Nga chỉ được giao dịch ở mức thấp kỷ lục 34 USD/thùng.

Hôm 6/4, IEA cho biết các nước thành viên đồng ý xả kho 120 triệu thùng dầu thô. Con số 120 triệu thùng dầu đã bao gồm 60 triệu thùng do Mỹ đóng góp từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này.

60 triệu thùng của Mỹ thuộc cam kết xuất kho 180 triệu thùng dầu do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 3. Trước đó, Washington cho biết sẽ xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine.

"Còn đối với Nga, tác động của việc châu Âu cấm vận dầu mỏ sẽ phụ thuộc vào khả năng chuyển hướng xuất khẩu của nước này", ông Claudio Galimberti - Phó chủ tịch phân tích của Rystad Energy - nhận định.

"Miễn là Nga có thể chuyển hướng xuất khẩu dầu sang châu Á, tác động sẽ không quá lớn. Nhưng nếu không, lệnh cấm có khả năng làm tê liệt nền kinh tế Nga. Bởi nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu", ông nhận định.

Theo IEA, châu Âu chiếm hơn 50% lượng dầu xuất khẩu của Nga. Nhưng Trung Quốc là nước mua nhiều nhất với khoảng 20%.

Thảo Phương