Những yếu tố nào đang cản trở sự hồi phục của ngành thép?

Vietstock

Ngày đăng 09/06/2023 14:04

Những yếu tố nào đang cản trở sự hồi phục của ngành thép?

Vietstock - Những yếu tố nào đang cản trở sự hồi phục của ngành thép?

Tại hội thảo tháng 6 tổ chức vào ngày 09/06, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu tại SSI (HM:SSI) Research, cho biết ngành thép sẽ còn đối diện nhiều khó khăn trong năm nay và giai đoạn tăng trưởng có thể đến vào đầu năm 2024.

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu tại SSI Research và bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư tại SSI Research

Theo quan sát của ông Đào Minh Châu, nhu cầu thép vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục.

“Tại thị trường Việt Nam, thông thường cao điểm tiêu thụ sẽ bắt đầu từ tháng 3, nhưng trong 3 tháng gần đây chưa hồi phục nhiều và vẫn giảm 20-30% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu thép cũng chưa cho thấy xu hướng vững chắc trong thời gian tới, dù đã có tín hiệu bật lên trong quý 2/2023”, ông cho biết.

Thông tin trên được đưa ra khi kinh tế Việt Nam lẫn toàn cầu còn nhiều bấp bênh và bối cảnh vĩ mô chưa có nhiều cải thiện. Với Việt Nam, thị trường bất động sản đình trệ cũng là yếu tố khiến nhu cầu thép ở mức thấp.

Giá thép quay đầu giảm mạnh

Trong khi đó, giá thép trong và ngoài nước đã đảo chiều mạnh từ tháng 3/2023.

Với thị trường Trung Quốc, giá thép đã giảm từ 15-20% và còn cách mức đáy năm ngoái khoảng 5-10%. Theo ông Châu, nguyên nhân là do thị trường bất động sản Trung Quốc không hồi phục như dự báo, nhu cầu thép sau khi tăng 3% trong quý 1, thì đã giảm trở lại khoảng 2-3% trong tháng 4 và tháng 5.

Trong khi đó, ở Việt Nam, giá thép xây dựng đã ghi nhận 10 đợt giảm liên tiếp từ tháng 4 và giá thép cuộn cán nóng (HRC (HM:HRC)) giảm về dưới mức 600 USD/tấn.

Giá thép giảm có thể tác động tiêu cực tới giá cổ phiếu thép, vì theo vị chuyên gia SSI, hai yếu tố này có mối tương quan rất cao. Ông Châu nói thêm, dù đã giảm nhưng nếu so với trước dịch, mức giá khu vực vẫn cao hơn 20%, trong khi giá thép xây dựng Việt Nam còn cao hơn khoảng 40%.

“Trong bối cảnh cầu yếu như hiện nay, giá thép sẽ có những đợt tăng/giảm đan xen, nhưng biên độ thấp hơn so với giai đoạn diễn ra dịch COVID-19”, ông Châu nhận định.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý đến tác động của Trung Quốc đối với giá thép. “Nếu quốc gia này tăng sản xuất, nguồn cung dư thừa giá giảm, dẫn đến việc các nhà máy đã tăng công suất nhưng chịu lỗ, dẫn đến hành động cắt giảm công suất sau đó. Do đó, tạo ra làn sóng tăng/giảm đan xen của giá thép”, ông Châu cho hay.

Giai đoạn tăng trưởng sẽ đến vào đầu năm 2024

Với những yếu tố trên, ông Châu dự báo trong thời gian tới, biên lợi nhuận các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn ở mức thấp, một số doanh nghiệp nhỏ có thể có những giai đoạn lãi/lỗ đan xen.

Cho cả năm 2023, vị chuyên gia này cho rằng các công ty thép vẫn ghi nhận lợi nhuận giảm so với năm 2022 (dù mức nền năm trước đã rất thấp). Riêng trong nửa cuối năm, kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn so với mức lỗ kỷ lục năm ngoái.

“Sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn đầu năm 2024, giá cổ phiếu thép có thể phản ứng trước đôi chút”, ông Châu chia sẻ.

Thiên Vân