Nhìn lại năm biến động khôn lường của giá hàng hóa thế giới: Vàng tỏa sáng, dầu tụt dốc

Vietstock

Ngày đăng 02/01/2024 14:27

Nhìn lại năm biến động khôn lường của giá hàng hóa thế giới: Vàng tỏa sáng, dầu tụt dốc

Vietstock - Nhìn lại năm biến động khôn lường của giá hàng hóa thế giới: Vàng tỏa sáng, dầu tụt dốc

Vàng tỏa sáng rực rỡ trong năm 2023, trong khi giá năng lượng ghi nhận một năm tồi tệ.

Trong năm 2023, các chỉ số theo dõi hàng hóa chủ chốt ghi nhận năm giảm mạnh nhất trong 5 năm qua, chủ yếu do giá khí thiên nhiên, than đá và ngũ cốc.

Tính đến ngày 19/12/2023, chỉ số S&P GSCI – theo dõi các khoản đầu tư vào thị trường hàng hóa thế giới – giảm 10% trong năm 2023, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Lĩnh vực năng lượng giảm mạnh nhất, với chỉ số năng lượng thuộc S&P GSCI sụt 12%.

Chỉ số theo dõi 24 loại hàng hóa của Boomberg giảm 12% trong năm 2023, trong đó thành phần năng lượng lao dốc 24%.

Theo Darin Newsom, Chuyên viên cấp cao tại Barchart, lĩnh vực hàng hóa năm qua chịu nhiều tác động, đáng chú ý nhất là thời tiết chuyển từ La Nina sang El Nino.

Vàng tỏa sáng

Trong năm 2023, một số hàng hóa vẫn tỏa sáng rực rỡ bất chấp xu hướng giảm chung của toàn lĩnh vực.

Hợp đồng vàng tương lai lập kỷ lục trong phiên ở mức 2,152 USD/oz vào ngày 04/12/2023, nhưng đã hạ nhiệt sau đó. Dù vậy, trong năm 2023, vàng thế giới vẫn còn tăng 13.45%.

“Trong năm 2024, lãi suất được dự báo đi ngang và giảm, đồng USD tiếp tục đi xuống và lạm phát hạ nhiệt trên khắp thế giới. Với các lý do đó, vàng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng giá”, Adam Koos, Chủ tịch tại Libertas Wealth Management Group, chia sẻ.  

Bên cạnh đó, giá nông sản cũng tăng mạnh trong bối cảnh thời tiết bất lợi đe dọa tới nguồn cung nông sản.

Hợp đồng tương lai nước cam đông lạnh tăng lên 4.258 USD/pound vào ngày 20/11/2023, mức cao nhất mọi thời đại. Hiện giá hợp đồng này đã tăng 80% so với đầu năm. Còn giá ca cao tương lai cũng tăng 65% trong năm nay.

“Giá ca cao đã tăng trong bối cảnh bất ổn ở khu vực Tây Phi đe dọa tới nguồn cung nông sản này”, trong khi giá nước cam tăng khi thời tiết bất lợi đe dọa tới nguồn cung cam, Roland Morris, Chiến lược gia hàng hóa tại Natural Resources Equity Strategy của VanEck, cho hay.

Ở lĩnh vực năng lượng, giá uranium tăng mạnh. Tính tới ngày 18/12/2023, giá uranium giao ngay hàng tuần ở mức 86.35 USD/pound và có lúc ở mức 89 USD/pound. Như vậy, giá nguyên vật liệu này đã tăng 85% trong năm nay.

Yếu tố lớn nhất đang tác động tới thị trường uranium là việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium, Jonathan Hinze, Chủ tịch UxC, cho hay. “Nếu dự luật này được phê duyệt thành luật, giá uranium có thể tăng thêm”, ông nói.

Giá dầu, khí thiên nhiên tụt dốc

Nằm trong số các hàng hóa giảm trong năm 2023, than đá và khí thiên nhiên giảm mạnh nhất.

Theo dữ liệu từ ICE Futures Europe, hợp đồng than đá tương lai tại Newcastle đã giảm 48% trong năm nay. Nhu cầu than đá được dự báo tiếp tục giảm trong bối cảnh thế giới chuyển sang năng lượng sạch hơn.

Trong báo cáo gần đây, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) kỳ vọng năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò lớn hơn trong năm 2024. Trong đó, nguồn năng lượng từ mặt trời và gió sẽ lớn hơn nguồn năng lượng tạo ra từ than đá lần đầu tiên tại Mỹ.

Còn hợp đồng tương lai khí thiên nhiên ở Mỹ giảm 44% trong năm 2023. Theo ông Morris, trong năm vừa qua, giá hàng hóa này chịu nhiều áp lực trước sản lượng lớn từ Mỹ cùng với thời tiết ấm áp hơn trong mùa đông.

Trong nhóm ngũ cốc, bắp ngô và lúa mì dẫn đầu đà giảm. Trong đó, hợp đồng lúa mì tương lai trên sàn Chicago giảm 21%, còn hợp đồng bắp ngô tương lai mất 30%.

Ông Morris chia sẻ việc giá lúa mì và bắp ngô giảm trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine chưa chấm dứt là điều bất ngờ.

“Khu vực này rất quan trọng với nguồn cung bắp ngô và lúa mì thế giới, vì vậy tôi cho rằng giá hai loại hàng hóa này sẽ tiếp tục ở mức cao hơn vì lo ngại về nguồn cung”, ông nói.

Theo chuyên gia Newsom của Barchart, nhìn chung, sản lượng nông sản ở Bắc và Nam Mỹ đều tăng trong năm nay. Sản lượng cao hơn từ Mỹ (nhờ thời tiết tốt hơn) cùng với sự giảm tốc về nhu cầu đã khiến giá bắp ngô và đậu tương rớt mạnh.

Giá dầu thô cũng sụt mạnh, bất chấp lo ngại về nguồn cung từ cuộc chiến Nga-Ukraine và cuộc chiến Israel-Hamas. Gần đây hơn, sự gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ đã giúp giá dầu tăng mạnh, nhưng đà tăng không duy trì được lâu và giá vẫn quay đầu giảm trở lại.

Khép phiên 29/12, hợp đồng dầu WTI giao tháng 2/2023 giảm 12 xu (tương đương 0.17%) xuống 71.65 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 3/2023 giảm 11 xu (tương đương 0.14%) xuống 77.04 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đều có năm giảm đầu tiên kể từ năm 2020, bất chấp tình trạng căng thẳng đang diễn ra ở Trung Đông. Giá dầu WTI giảm 10.73% trong năm 2023, còn dầu Brent sụt 10.32%.

Theo ông Morris, nếu tình trạng vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ và kênh đào Suez tiếp diễn thêm một khoảng thời gian dài, giá dầu và ngũ cốc có thể tăng trở lại.

Nhìn về năm 2024, giới phân tích dự báo giá hàng hóa sẽ tăng mạnh khi các NHTW bắt đầu hạ lãi suất.

“Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024 và đồng USD nhiều khả năng giảm”, ông Morris chia sẻ. “Các nền kinh tế thị trường mới nổi có thể giảm thêm lãi suất để kích thích kinh tế và từ đó làm tăng nhu cầu hàng hóa”.

Vũ Hạo (Theo MarketWatch)