Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế, Thép Nam Kim chịu ảnh hưởng xấu hay tốt?

Vietstock

Ngày đăng 11/12/2017 08:35

Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế, Thép Nam Kim chịu ảnh hưởng xấu hay tốt?

Vietstock - Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế, Thép Nam Kim chịu ảnh hưởng xấu hay tốt?

Việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra quyết định sơ bộ liên quan đến chống bán phá giá tôn mạ khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ có ảnh hưởng xấu lên các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ, trong đó có Thép Nam Kim (HOSE: NKG).

Ngày 5/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép cacbon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với hai sản phẩm trên của Trung Quốc. Đến năm 2016 thì chính thức áp thuế AD là 199.43% và CVD là 39.05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265.79% và CVD là 256.44%.

Trên cơ sở đó, Hải quan Hoa Kỳ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc tương đương với mức thuế AD và CVD mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc. Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được nguyên liệu không phải của Trung Quốc.

Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều thông tin cho rằng việc này sẽ có ảnh hưởng lên hoạt động xuất khẩu nhiều doanh nghiệp thép trong nước có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có Nam Kim (HOSE: NKG). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Mạnh Hùng – Tổng giám đốc NKG để làm rõ hơn về vấn đến này cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty.

Ông Phạm Mạnh Hùng

PV: Là đơn vị xuất khẩu sang Mỹ khá lớn, Nam Kim có chịu ảnh hưởng trước quyết định về chống lẩn tránh thuế của Bộ Thương mại Hoa Kỳ không, thưa ông?

Ông Phạm Mạnh Hùng: Sản phẩm xuất khẩu của Nam Kim sang Hoa Kỳ thuộc sản phẩm tôn mạ (Nam Kim không xuất khẩu thép cán nguội) nằm trong danh mục chống lẩn tránh thuế.

Theo quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ thì các sản phẩm tôn mạ được sản xuất từ thép cán nóng và thép cán nguội có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc mới nằm trong pham vi áp dụng của quyết định này.

Cũng vì thế, từ khi có quyết định điều tra sơ bộ ngày 06/11/2016 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ thì Nam Kim đã chuyển sang sản xuất tôn mạ toàn bộ từ nguồn cán nóng (HRC) của Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản - là các nước không nằm trong phạm vi của quyết định.

Đặc biệt hiện nay, Nam Kim đã có nguồn hàng HRC ổn định được cung cấp bởi Formosa Việt Nam. Do vậy, quyết định này khi được áp dụng chính thức sẽ không ảnh hưởng đến Nam Kim.

Mặt khác, đây là cơ hội tốt hơn cho Nam Kim khi chính sách của Hoa Kỳ cho Việt Nam đã rõ ràng, Nam Kim có thể tăng sản lượng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2018.

Hiện Nam Kim thực hiện quản lý nguyên liệu đầu vào như thế nào để hạn chế rủi ro biến động giá cũng như quản trị hàng tồn kho?

Giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất tôn mạ chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường thép cuộn cán nóng thế giới. Để giảm rủi ro thì việc xác định xu hướng biến động giá là quan trọng nhất; phân tích các nguyên liệu sản xuất cấu thành sản phẩm đầu vào, cung cầu vụ mùa, yếu tố đầu cơ, chính sách quản lý của Chính phủ,…

Nam Kim đã có nhiều kinh nghiệm và thông tin từ các Tập đoàn lớn trong các quyết định mua nguyên liệu. Ngoài ra, khi diễn biến giá trên thị trường phù hợp với giá nguyên liệu đầu vào thì Nam Kim cũng chủ động chốt trước hàng xuất khẩu, tồn kho ở mức hợp lý. Do vậy, mức độ ảnh hưởng biến động giá nguyên liệu tại Nam Kim không nhiều.

Còn về hoạt động kinh doanh của Công ty đến thời điểm này ra sao? Ước cả năm thì Nam Kim có hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra không?

Tính đến tháng 10/2017 Nam Kim đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm 2017.

Như vậy, ước thực hiện cả năm 2017 thì Nam Kim sẽ vượt mức kế hoạch năm về sản lượng, doanh thu và cả lợi nhuận sau thuế.

Thưa ông, nhà máy Nam Kim Corea và Nam Kim 3 sau khi hoàn thành dự kiến sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận cho Nam Kim như thế nào?

Hiện chúng tôi đang triển khai đầu tư một nhà máy mạ màu chất lượng cao liên doanh với Hàn Quốc. Nhà máy sản xuất sản phẩm mới dùng trong lĩnh vực trang trí nội thất, hàng dân dụng, hàng điện tử. Hiện nay, các mặt hàng này trong nước đang phải nhập khẩu (dự kiến sản lượng 80,000 tấn năm).

Dự kiến đến quý 3/2018, Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần khép kín quy trình sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm và tỷ suất lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm.

Sanh Tín (thực hiện)