Dầu sụt hơn 2%, giảm 2 phiên liên tiếp

Vietstock

Ngày đăng 15/01/2019 07:56

Dầu sụt hơn 2%, giảm 2 phiên liên tiếp

Vietstock - Dầu sụt hơn 2%, giảm 2 phiên liên tiếp

Các hợp đồng dầu thô giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Hai (14/01), khi các thị trường chứng khoán toàn cầu suy giảm trước những dấu hiệu về đà giảm tốc của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, MarketWatch đưa tin.

Trong khi đó, giá khí thiên nhiên vọt 16% lên đỉnh hơn 1 tuần, khi thời tiết lạnh lẽo thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2 trên sàn Nymex lùi 1.08 USD (tương đương 2.1%) xuống 50.51 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn mất 1.49 USD (tương đương 2.5%) còn 58.99 USD/thùng.

Dữ liệu kinh tế suy yếu từ Trung Quốc đã làm tăng “lo ngại về đà giảm tốc toàn cầu, đặc biệt sau dữ liệu sản lượng công nghệ yếu kém từ châu Âu”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho biết. “Nó cũng làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc đã thông báo trước đó liệu có đủ để tránh khỏi sự suy thoái trong nền kinh tế nước này hay không”.

“Đồng thời, kinh tế suy thoái cũng gây sức ép lên Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ”, ông Flynn cho hay. “Điều đó có thể khó khăn hơn sau khi Trung Quốc thông báo thặng dư thương mại của nước này nhảy vọt trong năm 2018”.

Cụ thể, dữ liệu cho thấy kim ngạc xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2018 suy giảm, và thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đã vọt lên mức kỷ lục mới 323.32 tỷ USD trong năm 2018, trong bối cảnh xung đột thương mại giữa 2 bên.

Đà suy yếu của kinh tế Trung Quốc đã gây sức ép lên chứng khoán toàn cầu, bao gồm chỉ số Dow Jones và S&P 500.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi cuối tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mohammed Barkindo, cho biết ông “lo ngại xung đột thương mại kéo dài”.

“Bất cứ biện pháp nào có thể tác động hoặc hạn chế thương mại đều có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và mở rộng nhu cầu năng lượng. Ngoài Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những điểm sáng nhất về nhu cầu năng lượng”, ông Barkindo chia sẻ.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 2 sụt 2.6% xuống 1.364 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 2 lùi 1.5% xuống 1.853 USD/gallon.

Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 2 vọt 15.9% lên 3.591 USD/MMBtu, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/12/2018, đồng thời ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 14/11/2018.

An Trần