Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Vietstock

Ngày đăng 26/11/2022 08:48

Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Vietstock - Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp

Giá dầu giảm vào ngày thứ Sáu (25/11) trong bối cảnh tính thanh khoản thị trường thấp, khép lại một tuần được đánh dấu bằng những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và vấn đề áp trần giá dầu của phương Tây đối với dầu Nga.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent lùi 1.37 USD (tương đương 1.61%) xuống 83.97 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.32 USD (tương đương 1.7%) còn 76.62 USD/thùng.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures group, nhận định: “Do khối lượng giao dịch thấp sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, nên chúng ta đang từ bỏ phần nào đà tăng ở đây một chút”.

Cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức đáy 10 tháng trong tuần này. Dầu Brent giảm 3.8%, còn dầu WTI sụt 3.9% trong tuần qua.

Cấu trúc thị trường của dầu Brent và dầu WTI cho thấy nhu cầu hiện tại đang yếu đi, với hiện tượng bù hoãn bán (backwardation), được xác định bởi giá giao ngay của hợp đồng cơ sở cao hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai, đã suy yếu rõ rệt trong các phiên gần đây.

Đối với chênh lệch giá 2 tháng, cấu trúc của dầu Brent và dầu WTI thậm chí còn rơi vào tình trạng bù hoãn mua (contango) trong tuần này, ngụ ý cung đang vượt cầu với giá giao ngay của các hợp đồng cơ sở thấp hơn giá giao dịch tại thị trường tương lai.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, vào ngày thứ Sáu ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục, khi các thành phố trên cả nước tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và các biện pháp kiềm chế khác để kiểm soát dịch bệnh bùng phát.

Điều này đang bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu, với lưu lượng giao thông giảm và nhu cầu dầu thấp hơn khoảng 1 triệu thung/ngày so với mức trung bình, ANZ cho hay.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về mức trần giá dầu Nga trong khoảng 65 – 70 USD/thùng, tuy nhiên, vẫn chưa đạt được thống nhất. Một cuộc họp của các đại diện chính phủ EU, dự kiến diễn ra vào tối ngày thứ Sáu để thảo luận về đề xuất này, đã bị huỷ bỏ.

Mục đích là hạn chế doanh thu tài trợ cho cuộc xung đột Nga – Ukraine mà không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu, tuy nhiên, mức đề xuất nhìn chung phù hợp với những gì người mua châu Á đã trả.

Hoạt động giao dịch được dự báo vẫn sẽ thận trọng trước khi có thoả thuận về trần giá dầu, dự kiến có hiệu lực vào ngày 05/12, khi các lệnh cấm của EU đối với dầu Nga bắt đầu, và trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 04/12.

An Trần (theo CNBC)