Dầu đi ngang trước triển vọng nguồn cung thắt chặt

Vietstock

Ngày đăng 24/07/2021 09:00

Dầu đi ngang trước triển vọng nguồn cung thắt chặt

Vietstock - Dầu đi ngang trước triển vọng nguồn cung thắt chặt

Giá dầu gần như đi ngang vào ngày thứ Sáu (23/7) và dầu Brent khép lại tuần qua với mức tăng, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ đà giảm sâu trong ngày 19/7, được củng cố bởi kỳ vọng rằng nguồn cung sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm.

Giá dầu và các tài sản có rủi ro khác đã lao dốc vào đầu tuần này do lo ngại về tác động lên nền kinh tế và nhu cầu dầu thô từ sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Covid-19 Delta ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và các nơi khác.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu Brent tiến 31 xu (tương đương 0.4%) lên 74.10 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 16 xu (tương đương 0.2%) lên 72.07 USD/thùng.

Hợp đồng dầu WTI khép lại tuần qua hầu như không thay đổi, sau khi đã giảm 2 tuần trước đó. Hợp đồng dầu Brent tăng 0.4% trong tuần qua.

“Nỗi lo về nhu cầu đã được phóng đại, đó là lý do tại sao giá dầu đã phục hồi trở lại. Mặc dù nguồn cung sẽ tăng, thị trường dầu vẫn sẽ trong tình trạng thiếu cung nhẹ cho đến cuối năm”, Commerzbank cho biết trong một lưu ý.

Cả 2 hợp đồng đều sụt 7% vào ngày 19/7 nhưng đều đã xóa sạch khoản lỗ đó, với nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu vẫn mạnh mẽ và thị trường nhận được hỗ trợ từ sự suy giảm dự trữ dầu thô và sự gia tăng tỷ lệ tiêm ngừa vắc-xin.

Tăng trưởng nhu cầu dự kiến sẽ vượt cung sau thỏa thuận vào ngày 18/7 giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, để tăng thêm 400,000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8.

Các chuyên gia phân tích ANZ Research nói trong một báo cáo rằng thị trường đang bắt đầu cảm thấy mức tăng 400,000 thùng/ngày sẽ không đủ để giữ thị trường cân bằng và dự trữ tại Mỹ cũng như ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) sẽ tiếp tục giảm.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ đã tăng 2.1 triệu thùng trong tuần trước, nhưng dự trữ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 01/2020.

An Trần (Theo CNBC)