Bộ Công Thương lên tiếng về cáo buộc “thép Trung Quốc đội lốt hàng Việt” từ Mỹ, cổ phiếu ngành thép đồng loạt đỏ điểm

Vietstock

Ngày đăng 07/12/2017 21:29

Bộ Công Thương lên tiếng về cáo buộc “thép Trung Quốc đội lốt hàng Việt” từ Mỹ, cổ phiếu ngành thép đồng loạt đỏ điểm

Vietstock - Bộ Công Thương lên tiếng về cáo buộc “thép Trung Quốc đội lốt hàng Việt” từ Mỹ, cổ phiếu ngành thép đồng loạt đỏ điểm

Bộ Công Thương khẳng định cáo buộc lẩn tránh thuế đối với 2 sản phẩm thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam của Hoa Kỳ "đã đi ngược lại thông lệ" của chính họ.

Bộ Công Thương lên tiếng về cáo buộc “thép Trung Quốc đội lốt hàng Việt” từ Mỹ, cổ phiếu ngành thép đồng loạt đỏ điểm.

Sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp thép Việt Nam

Ngày 05/12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (Mỹ) đã đưa ra quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với hai sản phẩm này là có thật, cụ thể là từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

* Mỹ áp thuế mức cao với thép Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc

Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra để áp thuế AD và CVD đối với 2 sản phẩm trên của Trung Quốc. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế AD là 199.43% và CVD là 39.05% đối với tôn mạ của Trung Quốc. Đối với thép cán nguội, mức thuế AD là 265.79% và CVD là 256.44%.

Trên cơ sở quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu các sản phẩm này được sản xuất từ nguyên liệu là thép cán nóng của Trung Quốc. Khoản tiền đặt cọc sẽ tương đương với mức thuế AD và CVD mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho tôn mạ và thép cán nguội có xuất xứ Trung Quốc như đã nêu ở trên. Các doanh nghiệp sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc.

Theo quy định tại Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO, một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ của một nước nếu tại nước đó đã diễn ra một quá trình chuyển đổi đáng kể (substantial transformation) để tạo ra sản phẩm đó. Theo thông lệ từ trước tới nay của quốc tế cũng như của chính Hoa Kỳ, thép cán nóng qua xử lý để trở thành thép cán nguội, sau đó tiếp tục xử lý để trở thành tôn mạ được coi là một sự "chuyển đổi đáng kể" và vì vậy, tôn mạ sản xuất tại Việt Nam, dù sử dụng đầu vào là thép cán nóng của nước khác, vẫn được coi là sản phẩm của Việt Nam (có xuất xứ Việt Nam).

“Điểm mấu chốt trong sự việc lần này là Hoa Kỳ đã đi ngược lại thông lệ của chính mình khi không coi quá trình chuyển đổi mô tả ở trên là quá trình "chuyển đổi đáng kể" nữa. Tôn mạ và thép cán nguội, nếu sử dụng đầu vào là thép cán nóng của Trung Quốc, sẽ được coi là tôn mạ và thép cán nguội Trung Quốc và phải chịu mức thuế AD và CVD rất cao như đã trình bày trên”, Bộ Công Thương khẳng định.

Việt Nam và nhiều nước khác đã thể hiện sự quan ngại rất lớn trước sự thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ. Trong suốt quá trình điều tra vụ việc, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ. Trong đó, Việt Nam khẳng định việc chuyển đổi từ thép cán nóng sang thép cán nguội và tôn mạ phải được coi là sự "chuyển đổi đáng kể" như Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã từng kết luận trước đây và vì vậy, không tồn tại hành vi lẩn tránh thuế như Bộ Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc.

Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào ngày 16/02/2018. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quy định tại các Hiệp định có liên quan của WTO.

Cổ phiếu thép đồng loạt đỏ điểm

Trên thị trường, phiên giao dịch ngày 07/12/2017, hầu hết các cổ phiếu thép đều quay đầu đỏ điểm, đặc biệt là những đơn vị có xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, riêng giá cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giảm mạnh hơn 1.5%, chốt phiên 07/12 tại mức 24,450 đồng/cp. Tương tự, Thép Nam Kim do có xuất khẩu thép cũng ghi nhận mức giảm gần 0.8% thị giá cổ phiếu, Thép Dana – Ý (DNY) cũng đi lùi 1.3% về mức 7,600 đồng/cp. Đáng chú ý, “ông lớn” đầu ngành Hòa Phát mặc dù vừa tổng kết sản lượng tiêu thụ 11 tháng với con số khả quan, song cổ phiếu cũng quay đầu giảm 0.71%.

* Cổ phiếu ngành thép trên đà “thuận buồm xuôi gió”

* Doanh nghiệp thép tiếp tục thắng lớn trong quý đầu năm 2017

Về thị trường thép 11 tháng đầu năm, giá thành đã đang và dự kiến tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng vào mùa xây dựng và động thái cắt giảm sản lượng sản xuất thép của Chính phủ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính sách phòng vệ thương mại chính thức của Bộ công thương cho các sản phẩm thép dài, phôi thép, tôn mạ kẽm, tôn mạ lạnh và mạ màu, tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp nội địa phát triển.

Mới đây theo công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong tháng 10/2017 tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2016. Với sản phẩm ống thép, sản xuất trong tháng 10 đạt 172,875 tấn, tăng 1.04% so với tháng trước, tăng 3.9% so với cùng kỳ. Nhìn chung, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong 10 tháng đầu năm 2017 đều tăng trưởng tương đối, lần lượt ghi nhận mức tăng 22.8% và 18.4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, hưởng lợi từ thị trường chung, cổ phiếu hầu hết doanh nghiệp thép từ đầu năm đến nay tăng điểm đáng kể, kết quả kinh doanh cũng ghi nhận khả quan.

Giao dịch tại một số doanh nghiệp thép từ đầu năm đến nay

Liên quan đến giá cổ phiếu thép, SSI Retail Research cho rằng mức định giá thấp của các cổ phiếu này là khá thấp nếu so với định giá chung của thị trường hiện nay, cũng như trung bình các công ty cùng ngành trong khu vực (Trung Quốc 15-16x, Ấn Độ 18-20x, Thái Lan 15-16x) và triển vọng tăng trưởng.

Đang trên đà tăng trưởng, liệu rằng cáo buộc trên từ Mỹ có tác động ngược đến toàn ngành thép nói chung và doanh nghiệp thép nói riêng?

Nguyên Phương