Triển vọng ngành Dầu khí: Không quá tiêu cực

 | 30/12/2020 07:11

Tổng quan ngành dầu khí

Hiện trạng

Ngành Dầu khí trong những năm gần đây là một trong số ít các ngành chịu tác động tiêu cực bởi nhiều yếu tố:

(1) Giá dầu giảm và duy trì mức dưới 60 USD (mức kỳ vọng của các doanh nghiệp đầu ngành);

(2) Nhiều dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vướng sai phạm và bị thanh tra;

(3) Tranh chấp biển Đông khiến nhiều dự án thượng nguồn (khâu thăm dò, khai thác) bị trì hoãn thậm chí dừng triển khai.

Chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, dầu khí là một trong những ngành có mức giảm lợi nhuận sâu nhất trong 9T2020 với mức giảm 82% so với cùng kỳ do các nguyên nhân sau:

(1) Giá dầu giảm làm doanh nghiệp hạch toán giảm giá hàng tồn kho;

(2) Nhu cầu tiêu thụ giảm;

(3) Biện pháp “cách ly xã hội” khiến các dự án chậm triển khai.

Cơ hội

Các nước thành viên OPEC hiện đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá dầu được dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2021, mức bình quân quanh 50 – 55 USD/ thùng (dầu Brent).

Do vấn đề về môi trường nên các dự án điện khí sẽ được ưu tiên phát triển làm tăng nhu cầu tiêu thụ khí.

PVN công bố phát hiện mỏ Kèn Bầu với trữ lượng kỷ lục, ước tính 230 tỷ mét khối khí (bcm), 400 – 500 triệu thùng Condensate, vị trí mỏ nằm cách bờ 65km thuộc tỉnh Quảng Trị.

Tải ứng dụng
Tham gia cùng hàng triệu người dùng để luôn nắm bắt thông tin thị trường tài chính toàn cầu với Investing.com.
Tải Xuống Ngay

Ngoài việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí mới, Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống các kho chứa LNG phục vụ cho việc nhập khẩu, bổ sung cho nguồn khí trong nước.

Triển vọng tương lai

Giá dầu giữ ổn định và hồi phục từ 2021 như dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp ngành dầu khí cải thiện đáng kể bức tranh triển vọng kinh doanh.

Hoạt động xây lắp của ngành hiện đang có khối lượng công việc lớn. Ngoài các dự án đang thực hiện như Sao Vàng – Đại Nguyệt, LNG Thị Vải, nhiều dự án lớn được kỳ vọng sẽ sớm triển khai như:

(1) Dự án Cá Voi Xanh ước tính khoảng 4,6 tỷ USD;

(2) Hàng loạt dự án điện khí, kho LNG được lên kế hoạch hợp tác đầu tư với nước ngoài (Exxon Mobile) tổng trị giá 20 tỷ USD;

(3) Dự án tổ hợp điện – khí Lô B Ô môn trị giá 1,2 tỷ USD.

Việc phát hiện dự án Kèn Bầu sẽ tạo lượng công việc dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoan thăm dò như PVD (HM:PVD).

Thượng nguồn:

Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác. Mục đích cuối cùng của hoạt động thượng nguồn là tìm kiếm phát hiện và đưa dầu, khí vào khai thác.

Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: PVD, PVS

Trung nguồn

Khâu trung nguồn bao gồm toàn bộ các hoạt động vận chuyển, dự trữ và phân phối.

Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: GAS, PVT (HM:PVT), PVS

Hạ nguồn

Hoạt động lọc, hóa dầu, tiêu thụ khí

Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: PLX, BSR, các doanh nghiệp nhiệt điện khí (NT2 (HM:NT2), POW (HM:POW)).

Cập nhật tiến độ các dự án thượng nguồn trọng điểm

Dự án Cá voi xanh: Tiến độ đang được đẩy nhanh

  • Năm 2020: Tiến độ dự án được đẩy nhanh với các hoạt động được triển khai như sau:

(1) Thực hiện đàm phán Thỏa thuận cam kết và bảo lãnh của Chính phủ (GGU) + gia hạn PSC;
(2) Mục tiêu hoàn thành đàm phán các hợp đồng bán khí (GSA) vào quý 4/2020;
(3) Tích cực triển khai các dự án hạ nguồn (Nhà máy điện) cho dự án như Nhiệt điện miền Trung 1 và 2 có công suất 1.500MW, Nhiệt điện Dung Quất 1 & 3 có công suất 1.500MW.

  • Dự kiến sẽ đón dòng khí đầu tiên của dự án vào năm 2024.

Vấn đề tồn đọng

  • Tiến độ triển khai dự án đang chậm so với kế hoạch đề ra.
  • Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thông qua GGU cho dự án.
  • Vướng măc trong việc đàm phán giá mua khí & giá bán điện giữa PVN và EVN.

Lô B Ô Môn: phấn đấu “dòng khí đầu tiên” vào cuối năm 2023

  • Năm 2020: Đang chờ phê duyệt quyết định đầu tư FID từ Thủ Tướng
  • Dự kiến đón “dòng khí đầu tiên” vào cuối năm 2023.

Vấn đề tồn đọng

  • Trong khi tiến độ triển khai tại khâu thượng nguồn (thiết kế, xây dựng, lắp đặt giàn thu gom) và trung nguồn (thiết kế, mua sắm và thi công cả đường ống trên bờ và dưới biển, thuê kho nổi) được triển khai đúng tiến độ thì khâu hạ nguồn của dự án đang gặp một số vấn đề khó khăn như sau:
  • Giá miệng giếng ở mức cao cao hơn nhiều so với giá đầu vào của các nhà máy điện hiện hữu và giá LNG, giá chuyển đổi sang giá bán điện tương ứng trên 10 UScent/kWh, do đó, gây khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng bán điện (PPA).
  • Nhà máy điện Ô Môn 2 chậm tiến độ (dự kiến hoàn thành năm 2026).
  • Nhà máy điện Ô Môn 3 (liên quan vốn vay ODA), Hội đồng thẩm định liên ngành chưa trình báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS), chưa có cơ sở để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, dự kiến sẽ chậm 4 – 5 năm so với kế hoạch.

Dự án Kèn Bầu: Phát hiện lịch sử của ngành dầu khí

  • Dự án đang trong giai đoạn tìm kiếm và thăm dò, nhà điều hành đã thực hiện giếng khoan thăm dò thứ nhất, từ ngày 29/2/2020 đến 29/7/2020 thực hiện khoan thăm dò lần 2 (khoan 150 ngày). Kết quả thử vỉa cả hai giếng khoan này, cho thấy tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 đến 255 tỷ mét khối khí tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ.
  • Nếu các bước đánh giá phân cấp trữ lượng tiếp theo bảo lưu kết quả này, hoặc gần với kết quả này, thì đây là phát hiện lịch sử và là mỏ khí lớn nhất tính đến hiện tại của ngành dầu khí Việt Nam.

Kế hoạch triển khai

  • Lĩnh vực thượng nguồn, theo hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) lô 114, cơ cấu cổ phần hiện tại là ENI 50% và ESSAR 50%. Sau khi công bố thương mại, PetroVietnam sẽ tham gia vào PSC với tỷ lệ cổ phần là 20%.
  • Lĩnh vực trung nguồn và hạ nguồn, sẽ có sự tham gia của các công ty thành viên PVN như Tổng công ty khí (PVGas) và đối tác mua điện là Tập đoàn điện lực (EVN).
  • Nếu tương tự mỏ Cá Voi Xanh, các hoạt động từ thượng, trung và hạ nguồn sẽ được tính trong vòng đời 20 năm hoặc 25 năm vận hành và khai thác thương mại, khởi đầu năm 2028.

LNG là giải pháp cấp bách cho nguy cơ thiếu hụt khí

Trước nguy cơ thiếu hụt của khí ngày càng tăng do nhu cầu tiêu thụ của các dự án nhiệt điện khí, nhập khẩu LNG đang được xem là giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn cung.

Trong kế hoạch bổ sung nguồn khí cho các nhà máy nhiệt điện, ngoài việc tập trung nguồn lực cho phát triển các mỏ thuộc các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí (Lô B, Cá Voi Xanh), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã, đang đầu tư phát triển các dự án kho chứa LNG.

Hiện tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV HM:GAS) - đơn vị thành viên của PVN đang triển khai 2 dự án LNG gồm:

  • Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ có quy mô công suất (giai đoạn 1) xây dựng kho cảng khoảng 3,6 MTPA (3,6 triệu tấn), giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 6 MPTA. Tổng mức đầu tư khoảng 1,35 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1,31 tỷ USD, giai đoạn 2 khoảng 0,04 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, PV GAS đã hoàn thành FS (Báo cáo nghiên cứu khả thi) của dự án.
  • Dự án kho chứa LNG Thị Vải có quy mô công suất 1 triệu tấn/năm và tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2020 – 2022, giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 3 MPTA. Tổng mức đầu tư khoảng 285,8 triệu USD, dự toán xây dựng công trình khoảng 247,6 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án này dự kiến đưa vào vận hành từ quý 2/2022 cung cấp LNG cho dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4, cũng như các nhà máy điện trong khu vực Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm hơn 80% trong 9 tháng đầu năm 2020

Ngành dầu khí là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Dưới tác động kép của:

(1) Sản lượng tiêu thụ giảm do “Giãn cách xã hội”

(2) Giá dầu giảm kéo theo việc trích lập giảm giá tồn kho, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đã giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020.

Tổng doanh thu các doanh nghiệp niêm yết đã giảm 30,19% so với cùng kỳ (CK) kéo theo LNST giảm dến 81,74% CK, trong đó BSR là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi lỗ 4.063 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 417% so với CK.

Hai điểm sáng hiếm hoi trong KQKD 9T2020 là: PVB (Doanh thu +2.083% CK và LNST +305% CK), PVD (Doanh thu +47,85% CK và LNST +155% CK).

Tuy kết quả 9T2020 nhìn chung tiêu cực nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn ngành dầu khí bắt đầu ghi nhận sự hồi phục từ Q2/2020, cụ thể các doanh nghiệp làm dịch vụ trong lĩnh vực thượng nguồn như: PVB, PVD, PVS.