Thị trường tuần mới: Chưa có giải pháp với virus, thị trường có xu hướng giảm

 | 16/03/2020 09:42

  • Thị trường chứng khoán vẫn trong vùng “thị trường gấu” và trong xu hướng giảm
  • Giá Vàng có thể giảm sâu hơn
  • Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu – ngày tăng điểm nhiều nhất kể từ năm 2008 - sau khi thị trường kết thúc một tuần biến động mạnh do diễn biến liên quan đến virus corona, chúng tôi vẫn dự đoán thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng giảm.

    Các chỉ số Dow, S&P500, Nasdaq và Russell 2000 đã tăng lên sau bức thư gửi hôm thứ Sáu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo đạt được thỏa thuận sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Thỏa thuận đề cập đến việc mở rộng đối tượng xét nghiệm miễn phí, hỗ trợ 1 tỷ USD gồm thực phẩm và tiền nghỉ ốm cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dự luật này đã được thông qua với số phiếu áp đảo tại Hạ viện vào sáng thứ Bảy.

    Trong suốt tuần trước, thị trường đã giằng co giữa phiên sụt giảm nặng trong 1 ngày và sau đó là sự tăng giá nhẹ vào ngày hôm sau, cho đến phiên tăng vọt hôm thứ Sáu, giới đầu tư, các nhà phân tích và thậm chí là các nhà quan sát bình thường đã thấy hoang mang khi Covid-19 lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, khiến thị trường chứng khoán lao vào vùng “thị trường gấu”. Đây là tuần tồi tệ nhất với thị trường tài chính kể từ sau khi lần sụp đổ năm 2008.

    Tải ứng dụng
    Tham gia cùng hàng triệu người dùng để luôn nắm bắt thông tin thị trường tài chính toàn cầu với Investing.com.
    Tải Xuống Ngay

    Bên cạnh đó, dầu thô bị bán tháo mạnh trong ngày đầu tuần trước, ghi nhận mức giảm lớn nhất trên thị trường hàng hoá trong gần 3 thập kỷ qua.

    Các Ngân hàng trung ương đã nhanh chóng tìm cách kìm hãm cuộc tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro, ngay cả khi một số quốc gia ngoài châu Á cũng thực hiện lệnh phong toả, đóng cửa trường học và cho phép làm việc tại nhà, và đôi lúc đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus.

    Các biện pháp ngăn chặn nhưng không có giải pháp thực sự

    “Thị trường tăng” kéo dài nhất trong lịch sử đã không “chết” một cách lặng lẽ. Giới đầu tư đã liên tiếp chịu “đòn” trong suốt 1 tuần. Các đợt bán tháo do hoảng loạn đã kích hoạt công cụ “tạm dừng giao dịch” 2 lần, lần đầu vào hôm thứ Hai và lần sau vào hôm thứ Năm, điều này đã không xảy ra kể từ năm 1997. Chỉ số Dow đã giảm 7% trong cả hai ngày đó.

    Mặc dù tính năng an toàn này có thể kìm giữ sự hoảng loạn của thị trường trong giây lát, nhưng thực tế chúng không thể ngăn chặn khủng hoảng xảy ra. Thực tế, biện pháp này không chỉ không giúp kéo dài “điều không thể tránh được trên thị trường” mà còn thúc đẩy nó xảy ra nhanh hơn, vì tin tức về việc các bộ “ngắt giao dịch tự động” bị kích hoạt chỉ khiến thị trường thêm hoảng loạn.

    Thị trường trái phiếu cũng cần một công cụ ngắt giao dịch như vậy để tránh sự lo ngại của nhà đầu tư tạo ra một vòng xoáy trên thị trường. Và “công cụ ngắt mạch” lần này là Fed. Fed đã bơm 1,5 nghìn tỷ USD để trấn an nhà đầu tư khi lợi suất trái phiếu thường xuyên rơi xuống mức thấp kỷ lục.

    Sau khi có các thông tin về gói hỗ trợ chống lại dịch bệnh, các nhà đầu tư nhanh chóng quay trở lại với thị trường và đặt lệnh mua vào. Chỉ số SPX tăng hơn 9% vào thứ Sáu, gần bằng mức giảm 9,1% của ngày thứ Năm và mức giảm của cả tuần chỉ còn ở mức 1,1%.

    Mặc dù gói hỗ trợ chống lại dịch bệnh trên có thể mang đến một ngày tăng điểm nữa khi thị trường mở cửa trở lại vào thứ Hai nhưng liệu rằng các yếu tố cơ bản đã thay đổi? Liệu dịch bệnh đã lây lan chậm lại? Hay liệu có thuốc chữa, hay vắc xin? Không.

    Thật không may, ngay cả khi không quan tâm đến yếu tố con người mà chỉ tập trung vào tác động kinh tế, việc ném tiền vào vấn đề dịch bệnh thông qua gói hỗ trợ, cho dù ý định có tốt đến đâu, cũng không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp, dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng của họ, sẽ có thể hoạt động hiệu quả. Cuối cùng, không có thuốc giúp phòng ngừa hoặc chữa khỏi hoàn toàn, thị trường có thể tiếp tục chứng kiến một vòng xoáy đi xuống đối với các doanh nghiệp: lợi nhuận thấp hơn, ít việc làm hơn, chi tiêu tiêu dùng thấp hơn, và thậm chí lợi nhuận thấp hơn.