Cung cầu tiếp tục ủng hộ đà tăng của giá dầu

 | 16/06/2021 10:40

Trong tuần vừa rồi, giá dầu tiếp tục kéo dài xu hướng tăng đã bắt đầu từ cuối tháng 05 đến nay. Đà tăng của giá dầu chủ yếu đến từ kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu dầu khi nền kinh tế thế giới bắt đầu mở cửa trở lại.

Trong tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu thô thế giới sẽ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022 trong khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 5.4 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và tiếp tục tăng 3.2 triệu thùng/ngày trong năm 2022.

Hôm qua, Thống đốc bang New York - Andrew Cuomo – đã gỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa phòng dịch còn lại trên bang này sau khi đã có hơn 70% số người trưởng thành trong bang được tiêm phòng Covid-19.

Tuy vậy, ở bên ngoài nước Mỹ, nhu cầu dầu của Trung Quốc, vốn là động lực giúp giá dầu phục hồi từ sau cú sụp đổ hồi tháng 04/2020, đang hạ nhiệt khi giá đã tăng cao, tồn kho dầu khí lớn cùng với lợi nhuận biên lọc dầu suy giảm khiến cho lực mua của quốc gia này đi xuống.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch thêm 4 tuần nữa kể từ sau ngày 21/06, vốn là thời điểm dự kiến sẽ nới lỏng phòng dịch.

Trong khi đó, các trader lớn trên thị trường như Trafigura đều nhận định các chính sách khai thác của OPEC+ sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung dầu thô và từ đó hỗ trợ cho giá dầu. Mặc dù sự trở lại của nguồn cung dầu thô Iran là một rủi ro đối với đà tăng của giá dầu. CEO (HN:CEO) Russell Hardy của Vitol, hãng thương mại dầu khí lớn nhất thế giới cho rằng OPEC sẽ có các biện pháp để sự trở lại của dầu thô Iran sẽ diễn ra một cách suôn sẻ và có ít tác động tiêu cực đến thị trường nhất.

Tải ứng dụng
Tham gia cùng hàng triệu người dùng để luôn nắm bắt thông tin thị trường tài chính toàn cầu với Investing.com.
Tải Xuống Ngay

Dù vậy, giá dầu cũng chưa thể tăng quá cao, trong thời điểm OPEC+ vẫn còn dư khoảng 6 – 7 triệu thùng/ngày công suất khai thác vẫn chưa sử dụng đến. Ông Hardy nhận định vùng giá từ 70 – 80 USD/thùng sẽ là vùng giá hợp lý trong năm nay.

Nhận định này là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh cung cầu hiện tại. Dù OPEC+ vẫn kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nhưng nhóm này cũng vẫn gia tăng sản lượng khai thác dầu theo lộ trình, đảm bảo nguồn cung tăng, dù có thể là không đủ, cho thị trường.
Mặt khác, giá dầu tăng quá nóng trong thời điểm sức khỏe của kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn khôi phục có thể tạo nên những phản ứng ngược đối với nhu cầu cũng như những sức ép ngoại giao từ các quốc gia lớn lên các nước thành viên OPEC.

Tồn kho tiếp tục giảm

Trong báo cáo rạng sáng nay của Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô thương mại Mỹ được ghi nhận giảm mạnh hơn 8 triệu thùng trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt gần 3 triệu thùng và gần 2 triệu thùng.

Từ những số liệu này có thể nhận định các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang tăng cường hoạt động lọc dầu để đón đầu sự phục hồi của nhu cầu nhiên liệu nội địa khi các bang dần mở cửa sau khi đã tiêm chủng đủ tỷ lệ an toàn.

Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào 9h30 tối ngày 16/06.

Kênh tăng kỹ thuật bền vững

Kể từ cuối tháng 05, giá dầu đã dao động theo một kênh tăng hẹp nhưng tương đối bền vững khi giá liên tục có những nhịp điều chỉnh và phục hồi theo kênh giá.

Tại thời điểm bài viết này được thực hiện, giá đang đối mặt với mức Fibonacci 200% và về mặt lịch sử là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018 đến nay. Mức giá 72.6 cũng từng là một mức kháng cự tương đối mạnh trong năm 2018.